Nhà hát được hợp nhất từ ba nhà hát trước kia thuộc các bộ môn tuồng, chèo, cải lương, nay sẽ có nhiệm vụ dàn dựng các chương trình, vở diễn, tiết mục nghệ thuật truyền thống về đề tài dân gian, lịch sử và đương đại; Nghiên cứu, sưu tầm, tập hợp, hệ thống, phục hồi, chỉnh lý, kế thừa và phát huy có chọn lọc vốn nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Với tinh thần hiện đại hóa, bắt nhịp với xu hướng mới, nhà hát cũng được giao xây dựng thể nghiệm các tiết mục nghệ thuật truyền thống về đề tài đương đại; tổng kết kinh nghiệm, bảo tồn và phát triển nghệ thuật truyền thống Việt Nam. Nhà hát còn có nhiệm vụ biểu diễn phục vụ nhiệm vụ chính trị; hợp tác, giao lưu, giới thiệu nghệ thuật truyền thống với quốc tế; liên kết, phối hợp biểu diễn nghệ thuật phục vụ khán giả trong nước và nước ngoài.
Trước đó, Bộ cũng có văn bản quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Nhà hát Nghệ thuật đương đại Việt Nam. Theo đó, ngoài nhiệm vụ tương tự như trên về phục vụ chính trị, phục vụ khán giả trong và ngoài nước, nhà hát được giao xây dựng các chương trình, tiết mục ca, múa, nhạc, tạp kỹ đương đại mang đậm bản sắc văn hóa dân tộc; giao lưu, hợp tác với các nhà hát, đoàn nghệ thuật, các tổ chức biểu diễn nước ngoài… Một nhiệm vụ quan trọng khác là nghiên cứu, sưu tầm, sáng tạo, phục dựng, thể nghiệm để phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc, tạp kỹ đương đại Việt Nam trên nền tảng bản sắc văn hóa dân tộc; tiếp thu, nâng cao tinh hoa nghệ thuật ca, múa, nhạc, tạp kỹ đương đại của các dân tộc trên thế giới để phát triển nghệ thuật ca, múa, nhạc, tạp kỹ đương đại Việt Nam…
Hai di sản ở Thái Nguyên vào danh mục quốc gia
Theo quyết định của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Lễ hội Cầu mùa của người Dao Lô Gang và Hát Sli của người Nùng Phàn Slình tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh Thái Nguyên đã được ghi danh di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Lễ hội Cầu mùa được tổ chức vào mùa xuân, mời các vị tổ tiên, các vị Ngọc Hoàng, thành hoàng, các vị thần thiên nhiên như thần sông, thần suối, thần núi… về thụ lễ của nhân dân địa phương dâng lên. Dự lễ hội là cả bản làng nên có ý nghĩa cố kết cộng đồng cao, tạo sự gắn kết cộng đồng dân tộc. Còn Hát Sli đã có từ lâu đời, rất phong phú về hình thức, đa dạng về nội dung, giàu tính chất cộng đồng dân tộc với ý nghĩa phản ánh tình yêu quê hương, đất nước, con người. Lời hát dân dã thể hiện nhiều cung bậc tình cảm của con người trong nhiều hoàn cảnh khác nhau như: lao động, sản xuất, sinh hoạt cộng đồng, giao lưu vào các dịp lễ hội…