Y tế

“Giải cứu” bệnh viện tuyến trên từ niềm tin tuyến dưới

Theo trải nghiệm của tôi - một bác sĩ từng công tác ở TP Hồ Chí Minh và các cơ sở y tế địa phương thì câu chuyện quá tải ở các bệnh viện Trung ương bắt đầu gây bức xúc trong công luận từ đầu những năm 2000.

Bệnh viện K- cơ sở Tân Triều.
Bệnh viện K- cơ sở Tân Triều.

Nhiều cuộc trao đổi khi đó đều cho rằng tình trạng này bắt nguồn từ việc quy mô cơ sở vật chất của các bệnh viện tuyến Trung ương còn nhỏ bé, chưa được nâng cấp tương xứng với nhiệm vụ, trong khi tuyến y tế cơ sở vẫn yếu kém, chưa đáp ứng được nhu cầu khám chữa bệnh của người dân, khiến lượng bệnh nhân dồn lên tuyến trên ngày càng nhiều. Vậy giải pháp cho vấn đề này là gì?

Bài toán vẫn còn nan giải

Nếu đối chiếu với tình hình lúc đó, người ta dễ dàng đồng ý với hai nguyên nhân ấy. Về quy mô bệnh viện, do trải qua chiến tranh lâu dài nên phần lớn các cơ sở bệnh viện đã rất lâu không được mở rộng. Ở Hà Nội, hai bệnh viện trọng điểm là Bạch Mai và Việt Đức, đều được xây dựng từ trước 1954, có quy mô dành cho dân số nội thành Hà Nội thời điểm chưa đến 100 nghìn dân. Nên đến những năm 2000 dân số nội thành Hà Nội lên tới 2-3 triệu dân thì rõ ràng các cơ sở ấy sẽ bị quá tải. Ở TP Hồ Chí Minh cũng vậy, trừ Bệnh viện Chợ Rẫy được viện trợ của Nhật Bản nâng cấp vào năm 1970, còn lại các cơ sở khác đều có quy mô khiêm tốn, nhất là Bệnh viện Ung bướu, Bệnh viện Chấn thương chỉnh hình.

Vì thế vào những năm này, tất cả các bệnh viện tuyến cuối ở Hà Nội và TP Hồ Chí Minh đều được đầu tư rất lớn để mở rộng và nâng cấp. Ngân sách nhà nước đã chi ra nhiều chục nghìn tỷ đồng. Nhiều cơ sở bệnh viện khang trang, với trang thiết bị hiện đại đã hoàn thành, thay đổi hẳn bộ mặt y tế tại hai trung tâm đô thị lớn của nước nhà. Ở Hà Nội thì Bệnh viện Bạch Mai xây mới khu khám bệnh, khu hồi sức cấp cứu và xây hẳn khu nhà điều trị 22 tầng. Bệnh viện Việt Đức cũng thế, đã phá bỏ toàn bộ dãy nhà điều trị một tầng xưa kia thay bằng 2 khối nhà điều trị cao tầng.

Cùng với mở rộng các cơ sở y tế hiện có, các nhà hoạch định chính sách còn nhìn xa, đã quy hoạch các cơ sở y tế mới ở xa trung tâm. Ở TP Hồ Chí Minh là xây dựng tổ hợp y tế mới ở Bình Chánh (cũ); còn ở Hà Nội là xây cơ sở 2 của bệnh viện Bạch Mai và Việt Đức ở Phủ Lý (Ninh Bình), với tổng vốn đầu tư 10.000 tỷ đồng, cách Hà Nội 60 km về phía nam. Các công trình được kỳ vọng sẽ giảm tải rất nhiều cho các bệnh viện tuyến Trung ương.

Song song với việc mở rộng các bệnh viện tuyến Trung ương là chiến lược nâng cao chất lượng cho y tế tuyến cơ sở. Ngày 26/5/2008, Bộ Y tế ban hành Đề án 1816, đưa bác sĩ ở tuyến trên về luân phiên làm việc ở tuyến dưới, với mục tiêu chuyển giao công nghệ, nâng cao chất lượng y tế tuyến dưới, từ đó sẽ giữ chân người bệnh ở lại địa phương. Cả ngành y lúc đó chộn rộn tham gia Đề án 1816, bác sĩ các bệnh viện Trung ương xuống tăng cường cho bệnh viện tỉnh, các bác sĩ bệnh viện tỉnh tăng cường cho bệnh viện huyện... Chương trình này đến nay thực hiện gần 20 năm, tuy tổng kinh phí chưa được công bố nhưng ước lượng là khá lớn. Thành tựu của chương trình là đã chuyển giao nhiều kinh nghiệm cho tuyến dưới, nhiều kỹ thuật mới lần đầu được thực hiện ở địa phương.

d2f01ce8712cc7729e3d.jpg
Các bệnh viện tuyến Trung ương với nhiều trang thiết bị hiện đại thu hút ngày càng đông bệnh nhân.

Ngoài Đề án 1816, Bộ Y tế còn tiến hành chương trình nâng cấp bệnh viện huyện, chương trình 10 năm (2011-2020) củng cố y tế cơ sở, thực hiện bộ tiêu chí quốc gia về y tế tuyến xã. Đến năm 2020 tổng kết chương trình, 94% số xã trên toàn quốc đạt chuẩn hoàn thành bộ tiêu chí quốc gia.

Điểm lại tình hình phát triển của ngành y như trên, ta thấy có một nghịch lý là dù cho các nguyên nhân gây ra tình trạng quá tải ở các bệnh viện Trung ương tưởng chừng như đã biết, các biện pháp khắc phục đã được thực thi rất quyết liệt, nhưng đến nay tình trạng quá tải chẳng những không thay đổi, nếu không muốn nói là còn trầm trọng hơn trước. Nếu xét kỹ ra, hình như chúng ta chưa tìm được lời giải phù hợp cho bài toán quá tải.

Đầu tiên, việc mở rộng các bệnh viện Trung ương đã có tác dụng rất tích cực, cải thiện ngay điều kiện chữa trị cho người dân. Nhưng liền sau đó, cái bệnh viện to đẹp, mới nâng cấp ấy, lại như thỏi nam châm thu hút thêm người dân đến điều trị. Nhất là từ sau năm 2006, khi Nghị định 43/2006 của Chính phủ về tự chủ đối với các đơn vị sự nghiệp công lập bắt đầu được thực hiện, thì các bệnh viện tuyến Trung ương phải càng ra sức thu hút người bệnh để bảo đảm mục tiêu tự chủ. Nên quá tải lại càng thêm quá tải.

Chương trình nâng cao y tế tuyến dưới, tuyến cơ sở có nhiều thành tựu, nhưng chưa bền vững. Các trạm y tế xã mới chỉ có bác sĩ tại trạm vài ngày trong tuần. Các kỹ thuật mới được chuyển giao ở bệnh viện tỉnh, khi bác sĩ tuyến trên rút về thì kỹ thuật mới cũng theo về. Máy móc mới đầu tư lại trùm vải nằm đó vì ít có dịp sử dụng. Người dân trong bán kính 2 giờ xe chạy, khi có bệnh thì ít khi ở lại địa phương mà lên luôn Trung ương.

Ngành y và bảo hiểm y tế đã dùng các biện pháp kỹ thuật như phân tuyến điều trị của thẻ bảo hiểm y tế để điều tiết phần nào lượng bệnh nhân giữa Trung ương và địa phương, muốn lên tuyến Trung ương bắt buộc phải có giấy chuyển tuyến, đã luôn vấp phải sự phản ứng của xã hội. Giờ đây khi Bộ Y tế phải nới rộng điều kiện chuyển tuyến, như cho phép 62 loại bệnh được tự do lên thẳng tuyến Trung ương điều trị không cần giấy chuyển, thì dự báo tình hình quá tải sẽ còn trầm trọng hơn.

Từ giải pháp di dời đến giữ chân bác sĩ tuyến xã

Từ những thực tế trên, để cải thiện tận gốc tình trạng quá tải của các bệnh viện tuyến Trung ương, chúng ta cần rút ra các bài học của quá khứ để làm tốt hơn trong thời gian tới.

1a757a06cec7789921d6-1.jpg
Cần chú trọng đầu tư cho y tế tuyến cơ sở.

Trước tiên, không nên mở rộng các bệnh viện Trung ương trong nội đô cũ mà kiên quyết di dời các bệnh viện đó ra ngoại ô, để có đủ điều kiện về quỹ đất để phát triển, đồng thời bảo tồn các cơ sở cũ trong nội thành cho điều trị chuyên sâu và nghiên cứu khoa học. Việc các bệnh viện hàng đầu vẫn cứ bám trụ trong nội thành của hai đô thị lớn là Hà Nội và TP Hồ Chí Minh làm gia tăng áp lực cho hạ tầng, gây nhiều thiệt hại cho xã hội và người bệnh.

Đồng thời chúng ta phải nhận thức rõ rằng, mở rộng bệnh viện tuyến Trung ương không phải là giải pháp căn cơ để giải quyết tình trạng quá tải. Nếu không nâng cấp y tế tuyến cơ sở, nếu không gây dựng được lòng tin của người bệnh với y tế tuyến dưới, thì tuyến Trung ương có xây thêm bao nhiêu bệnh viện cũng không đủ, nhất là khi điều kiện giao thông thuận tiện như hiện nay. Vì thế bệnh viện tuyến Trung ương phải được định hướng là nơi điều trị ca khó, điều trị đỉnh cao, là nơi nghiên cứu khoa học và chuyển giao công nghệ. Bệnh viện tuyến Trung ương không nên bị biến thành nơi điều trị đại trà với hàng nghìn lượt khám mỗi ngày.

Nhiệm vụ điều trị đại trà, giải quyết hầu hết các ca bệnh của người dân là nhiệm vụ của bệnh viện tỉnh và bệnh viện khu vực. Các bệnh viện tỉnh và khu vực có bán kính tiếp cận với người dân dưới 1 giờ xe chạy, là nơi người người dân đỡ tốn kém chi phí nhất, nên được tập trung đầu tư cao độ, có đầy đủ các thiết bị máy móc như của Trung ương, tập trung giải quyết thật tốt các mặt bệnh thường gặp, sẽ giải quyết hầu hết gánh nặng điều trị điều trị cho các bệnh viện Trung ương. Y tế tuyến xã sau sáp nhập đã mạnh hơn, có từ 1-3 bác sĩ, sẽ tập trung theo dõi các bệnh mạn tính ổn định, làm tốt công tác y tế dự phòng, góp phần giảm tải cho tuyến trên.

Cùng với đó, vấn đề tài chính là điều kiện tối cần thiết để những điều trên thực hiện thành công. Ngoài việc đầu tư mạnh cho xây dựng, mua sắm trang thiết bị y tế tuyến cơ sở, thì cần phải rất chú trọng đến chế độ tiền lương cho y tế tuyến dưới. Mức lương của y tế cơ sở phải đủ cao để giữ chân người tài, giữ ổn định đội ngũ nhân lực y tế. Nhân lực y tế yên tâm gắn bó với cơ sở, nhìn thấy tương lai phát triển của mình ở địa phương thì mới tạo được niềm tin cho người bệnh ở lại điều trị. Hiện nay nhiều địa phương đã thực hiện tốt điều này, thực hiện chương trình thu hút nhân tài, cấp đất, cấp nhà cho các chuyên gia khi chuyển về địa phương làm việc.

Chương trình chống quá tải cho các bệnh viện Trung ương từ trước tới nay đã làm được nhiều việc, cần kiên trì hoàn thiện hơn nữa. Giảm tải cho bệnh viện tuyến Trung ương thực chất là câu chuyện phát triển y tế Việt Nam bền vững, gần dân hơn.

TS, BS QUAN THẾ DÂN