Dưới bóng tre Việt Nam

Ngày 20/6, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp đón Tổng thống LB Nga Vladimir Putin thăm chính thức Việt Nam. Trước đó, ngày 13/12/2023, Tổng Bí thư hội đàm với Chủ tịch nước CHND Trung Hoa Tập Cận Bình tại Hà Nội. Ngày 10/9/2023, Tổng thống Hợp chúng quốc Hoa Kỳ Joe Biden tới Hà Nội, theo lời mời của Tổng Bí thư. Ba chuyến công du của các lãnh đạo những cường quốc hàng đầu thế giới ấy, có lẽ, phần nào phác họa tầm vóc cũng như di sản của Tổng Bí thư, trong lĩnh vực đối ngoại.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và các đại biểu tham quan trưng bày ảnh về ngoại giao Việt Nam tại Hội nghị Ngoại giao lần thứ 32. Ảnh: TTXVN

Như đồng chí Bùi Thanh Sơn, Ủy viên Trung ương Đảng, Bộ trưởng Ngoại giao đánh giá: "Có thể nói, nền ngoại giao mang đậm bản sắc "cây tre Việt Nam" mà đồng chí Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhiều lần nêu trong các bài viết, phát biểu về đối ngoại chính là sự phản ánh khái quát, trọn vẹn nhất những nội dung cốt lõi và xuyên suốt về triết lý, bản sắc, quan điểm, tư tưởng, phương châm chỉ đạo, nhiệm vụ cơ bản và phương thức triển khai của nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam, dựa trên nền tảng bản sắc văn hóa, cốt cách dân tộc Việt Nam được tôi luyện qua hàng nghìn năm dựng nước và giữ nước, kế thừa, vận dụng và phát triển sáng tạo chủ nghĩa Mác-Lênin và tư tưởng, phong cách, nghệ thuật ngoại giao Hồ Chí Minh vào điều kiện phát triển đất nước trong giai đoạn hiện nay. Bản sắc đó là "gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển", kiên định nguyên tắc, nhưng sáng tạo, khôn khéo, linh hoạt về sách lược; đoàn kết, nhân ái nhưng luôn kiên quyết, kiên trì bảo vệ lợi ích quốc gia-dân tộc".

Phong cách ngoại giao mà Tổng Bí thư dày công xây đắp ấy được cộng đồng quốc tế ghi nhận và đánh giá rất cao. Tiêu biểu, có thể kể tới nhận xét của tờ The Guardian, mô tả đường lối ngoại giao "cây tre Việt Nam" vừa mềm dẻo, vừa kiên cường. Hoặc, hãng tin Reuters bình luận: "Trong chính sách đối ngoại, ông Trọng chủ trương "thêm bạn, bớt thù", nhưng mềm dẻo như cây tre".

Minh chứng cho tính đúng đắn của tư tưởng chỉ đạo này, không gì khác, chính là những thành quả to lớn mà ngành ngoại giao Việt Nam đạt được trong giai đoạn vừa qua. Bên cạnh mối quan hệ truyền thống với Trung Quốc, kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tiếp nhiệm năm 2011, Việt Nam đã liên tiếp nâng cấp quan hệ ngoại giao lên mức Đối tác chiến lược toàn diện với Liên bang Nga (tháng 7/2012), Ấn Độ (tháng 9/2016), Hàn Quốc (tháng 12/2022), Hoa Kỳ (tháng 9/2023), Nhật Bản (tháng 11/2023) và Australia (tháng 3/2024). Chúng ta đã thiết lập quan hệ đối tác chiến lược và đối tác chiến lược toàn diện với tất cả năm nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc, 6 trong số 7 nước thuộc Nhóm các nước có nền công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G7), đồng thời củng cố và thắt chặt những mối quan hệ song phương tốt đẹp với các quốc gia thành viên nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới BRICS.

Kiên định thể hiện rằng Việt Nam muốn là bạn với tất cả các nước cũng như nguyên tắc đối ngoại quốc phòng "Bốn không" (không tham gia liên minh quân sự; không liên kết với nước này để chống nước kia; không cho nước ngoài đặt căn cứ quân sự hoặc sử dụng lãnh thổ để chống lại nước khác; không sử dụng vũ lực hoặc đe dọa sử dụng vũ lực trong quan hệ quốc tế), định hướng "ngoại giao cây tre" mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là người chỉ đường đã góp phần đắc lực vào sự phát triển của đất nước, liên tục mở ra những cơ hội hợp tác kinh tế, hội nhập toàn cầu, nâng cao đời sống nhân dân, đưa Việt Nam trở thành một điểm sáng được thế giới ghi nhận, duy trì hòa bình và ổn định ngay cả trong bối cảnh thế giới diễn biến phức tạp và khó lường.

Uy tín và tiếng nói của đất nước ta ngày càng được khẳng định tại nhiều diễn đàn, cơ chế đa phương quan trọng, như ASEAN, Liên hợp quốc, Tiểu vùng Mê Công, Diễn đàn Hợp tác kinh tế châu Á-Thái Bình Dương (APEC), Hội đồng Liên Nghị viện ASEAN (AIPA), Liên minh Nghị viện thế giới (IPU), Hội nghị của các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (UNFCCC) lần thứ 28 (Hội nghị COP28), Diễn đàn cấp cao Vành đai và Con đường…

Bên cạnh đó, Việt Nam đã đảm nhiệm thành công nhiệm kỳ Phó Chủ tịch Đại hội đồng Liên hợp quốc khóa 77, thực hiện tốt chức trách thành viên Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, Ủy ban Luật pháp quốc tế; đồng thời, được cộng đồng quốc tế tín nhiệm bầu vào nhiều vị trí quan trọng tại các tổ chức quốc tế; tổ chức thành công các hội nghị quốc tế lớn... Việt Nam đã đề xuất nhiều sáng kiến, giải pháp thúc đẩy hợp tác, đóng góp có trách nhiệm vào các vấn đề chung của thế giới, như dịch bệnh, thiên tai, biến đổi khí hậu, an ninh lương thực, an ninh nguồn nước, gìn giữ hòa bình ở châu Phi, cử lực lượng hỗ trợ khắc phục hậu quả động đất tại Thổ Nhĩ Kỳ...

Có thể nói, như chính niềm tự hào của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, "đất nước ta chưa bao giờ có được tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay". Đó là dấu ấn, cũng là định hướng của đồng chí Tổng Bí thư trong lĩnh vực đối ngoại

VÕ HOÀNG
Nguồn NHÂN DÂN CUỐI TUẦN