Loay hoay chuyện vận hành, nâng cấp
Một trong những nội dung quan trọng đặt ra trong Chiến lược phát triển các ngành Công nghiệp văn hóa Việt Nam đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 theo Quyết định số 1755/QĐ-TTg ngày 8/9/2016 của Thủ tướng Chính phủ, chính là xây dựng và phát triển cơ sở hạ tầng nghệ thuật biểu diễn. Sau gần 10 năm, nhìn lại, hệ thống cơ sở vật chất, kỹ thuật cho hoạt động biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp vẫn bộc lộ nhiều bất cập, hạn chế: Còn thiếu các thiết chế đủ tiêu chuẩn để tổ chức các sự kiện lớn, mang tầm khu vực và quốc tế, được tổ chức và vận hành một cách chuyên nghiệp; nhưng lại thừa những thiết chế không đáp ứng được các tiêu chuẩn này.
Tính riêng trên địa bàn Hà Nội hiện nay, chỉ có một số nhà hát hoạt động thường xuyên và có hiệu quả, đó là Nhà hát Hồ Gươm, Nhà hát Lớn Hà Nội, Nhà hát múa rối Thăng Long. Còn lại, các nhà hát, rạp hát do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch và thành phố Hà Nội quản lý đều đang ở tình trạng xuống cấp và không đáp ứng được yêu cầu "công nghiệp hóa" nghệ thuật biểu diễn.
Nhà hát Tuổi Trẻ cũng loay hoay với mặt sàn sân khấu theo kết cấu cố định, không có hệ thống nâng hạ, xoay vòng hay hỗ trợ cơ giới để phục vụ các hiệu ứng đặc biệt. Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, Rạp Chuông Vàng tọa lạc ở các "khu đất vàng" của phố cổ Hà Nội nhưng không gian biểu diễn quá chật hẹp, ít điều kiện để sáng đèn. Ngay cả Nhà hát Lớn Hà Nội cũng khó đáp ứng yêu cầu các chương trình nghệ thuật phục vụ số lượng khán giả lớn.
Tại Hội thảo khoa học “Ứng dụng công nghệ 4.0 vào lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn - Thực trạng và giải pháp” do Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam tổ chức mới đây, đại diện Nhà hát Kịch Việt Nam - đơn vị hàng đầu của nền sân khấu kịch nói - đã nêu ra những khó khăn “đủ mọi bề”: Hệ thống âm thanh, ánh sáng cũ kỹ lạc hậu; không có người vận hành máy móc một cách chuyên nghiệp; địa điểm biểu diễn hiện nay không quá 200 chỗ ngồi, khiến đơn vị muốn mở rộng biểu diễn cũng rất khó.
Thực tế, trong cơ chế thị trường, một số nhà hát, rạp hát đã bị “xóa sổ” trở thành trung tâm thương mại, nhà hàng, khách sạn, hoặc đều đang trong tình trạng xuống cấp nghiêm trọng, không bảo đảm an toàn cũng như đáp ứng tiêu chuẩn của một nhà hát, sân khấu hiện đại, phục vụ đời sống tinh thần của người dân. Thậm chí, có cả những nhà hát, rạp hát được sửa chữa, nâng cấp nhưng khai thác chưa hiệu quả, nên cũng trở thành nơi cho thuê địa điểm tổ chức biểu diễn, các sự kiện hội nghị, hội thảo, đám cưới, tổng kết… Việc chuyển đổi công năng của các rạp hát, nhà hát như vậy vốn được xem như một hình thức “chống lãng phí”, song lại tạo ra một kiểu lãng phí khác: Chưa khai thác để sử dụng hiệu quả theo đúng chức năng của mình.
Một câu chuyện khác: Nhà hát Ca Múa Nhạc dân gian Việt Bắc (vừa hợp nhất thành Nhà hát Ca Múa Nhạc Quốc gia Việt Nam) do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đầu tư xây dựng, tọa lạc tại 118 Hoàng Văn Thụ, phường Phan Đình Phùng, tỉnh Thái Nguyên. Nhà hát có diện tích hơn 4.000 m2 với khán phòng lớn quy mô 1.200 chỗ ngồi, cùng hai khán phòng nhỏ. Tuy nhiên, sau tuần lễ khai trương thu hút nhiều đơn vị nghệ thuật chuyên nghiệp cả nước về biểu diễn rộn ràng, thì nay nhà hát lại trở nên im ắng, ít hoạt động. Bởi lẽ, để vận hành một khán phòng biểu diễn với cả nghìn chỗ ngồi là điều vô cùng khó khăn cho nhà tổ chức biểu diễn, do các chi phí đội lên rất lớn mà nhà hát lại ở một địa bàn rất khó để bán vé với giá cao!
Ngược lại, ở các thành phố lớn như Hà Nội, Thành phố Hồ Chí Minh thì nhu cầu cần có trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng vẫn đang rất cấp thiết. Nhiều đơn vị tổ chức rất muốn bán vé số lượng lớn để thu hồi doanh thu, cũng như thu hút những tên tuổi ca sĩ, nghệ sĩ tham gia chương trình, nhưng lại không có địa điểm phù hợp để thuê.

Yêu cầu cấp thiết cho sự phát triển mới
Thị trường biểu diễn nghệ thuật hiện nay rất cần các trung tâm biểu diễn văn hóa nghệ thuật đa năng. Có thể hiểu đó là nơi tổ chức biểu diễn nhiều loại hình, thể loại nghệ thuật khác nhau, nhằm đáp ứng nhu cầu phong phú, đa dạng của đông đảo khán giả. Trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng có vai trò quan trọng góp phần tạo nên sức sống, sản phẩm văn hóa mang bản sắc riêng của mỗi địa phương, kích thích du lịch văn hóa, góp phần bảo tồn các giá trị văn hóa-lịch sử, củng cố tính sáng tạo và phát triển các loại hình nghệ thuật…
Trong hệ thống thiết chế được xây mới thời gian gần đây, chỉ có Nhà hát Hồ Gươm được đầu tư, xây dựng với quy mô lên tới 5.000 m2, tọa lạc tại vị trí đắc địa giàu giá trị văn hóa bậc nhất của Thủ đô Hà Nội, cùng trang thiết bị tiên tiến, hiện đại ứng dụng công nghệ hàng đầu. Với khán phòng chính có sức chứa 800 chỗ ngồi, phòng hòa nhạc nhỏ 500 chỗ và các khu vực trưng bày, triển lãm... Tuy nhiên, Nhà hát Hồ Gươm lại không chỉ phục vụ biểu diễn mà còn phục vụ nhiều sự kiện chính trị quan trọng khác, nên không phải chương trình biểu diễn nào cũng được "xếp gạch". Cũng bởi thế, nhà hát này cũng không đáp ứng yêu cầu trở thành một trung tâm biểu diễn nghệ thuật đa năng, đi kèm hệ thống các dịch vụ văn hóa mang tính đại chúng cho đông đảo mọi tầng lớp khán giả trong và ngoài nước.
TS Trần Thị Minh Thu, Viện Văn hóa, Nghệ thuật, Thể thao và Du lịch Việt Nam cho rằng: Thiết chế nhà hát hiện nay của ta rất lạc hậu, tụt hậu so các nhà hát hiện đại của quốc tế. Nhiều nước trên thế giới có trung tâm nghệ thuật biểu diễn đa năng, có thể đáp ứng cho từng loại hình nghệ thuật, từ hiện đại đến truyền thống. Đồng thời, ở các trung tâm nghệ thuật này còn có nhiều dịch vụ khác, đáp ứng nhu cầu của công chúng và du khách, như vui chơi giải trí, mua sắm, ăn uống... “Hệ thống thiết chế văn hóa, trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng, phải được nhìn nhận như một phần cơ hữu của ngành công nghiệp văn hóa và sáng tạo. Đó cũng là nơi bảo tồn các giá trị lịch sử, gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc, phát huy tính sáng tạo, cung ứng các loại hình nghệ thuật, góp phần phát triển du lịch”, bà Thu nhấn mạnh.
Trước xu thế toàn cầu hóa, hội nhập quốc tế, công chúng có điều kiện để cập nhật các giá trị văn minh nhân loại, nhu cầu thưởng thức nghệ thuật ngày càng cao. Bởi thế, hoạt động nghệ thuật càng đòi hỏi những phương thức, cách làm mới để bắt kịp, đáp ứng yêu cầu của thế hệ “công dân toàn cầu”. Việc hiện đại hóa nhà hát, xây dựng trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng, cải tạo và nâng tầm các cơ sở vốn có đang trở nên cấp thiết hơn bao giờ hết.
Đã đến lúc, Việt Nam cần phải có những trung tâm trình diễn nghệ thuật đa năng xứng tầm. Những trung tâm này sẽ tạo điều kiện cho sự ra đời những vở diễn, chương trình chất lượng cao, thu hút các đoàn nghệ thuật lớn của thế giới đến Việt Nam, trở thành các công trình văn hóa-nghệ thuật chuyên ngành hiện đại, mang tính biểu tượng, tạo điểm nhấn về kiến trúc và nghệ thuật, góp phần tạo nên diện mạo mới của các thành phố lớn đang trên đà phát triển. Đồng thời, góp phần vào quá trình hội nhập quốc tế, thúc đẩy phát triển du lịch, tạo động lực phát triển kinh tế-xã hội. Với các nhà hát, cơ sở biểu diễn đang xuống cấp, rất cần cơ quan chức năng có phương án đầu tư trọng điểm, xây mới hoặc nâng cấp để đáp ứng được yêu cầu biểu diễn nghệ thuật chuyên nghiệp, xây dựng những sản phẩm công nghiệp văn hóa giàu giá trị.
Mới đây, Nghị quyết quy định về tổ chức, hoạt động của trung tâm công nghiệp văn hóa trên địa bàn thành phố Hà Nội đã được thông qua. Nghị quyết đưa ra nhiều chính sách ưu đãi: thành phố ưu tiên lập quy hoạch và bố trí quỹ đất; ưu tiên bố trí vốn đầu tư xây dựng, cải tạo, sửa chữa, nâng cấp cơ sở hạ tầng công nghiệp văn hóa; huy động nguồn lực thực hiện các dự án phát triển trung tâm công nghiệp văn hóa để giao, nhượng quyền hoặc cho thuê. Cùng đó, trung tâm công nghiệp văn hóa được xem xét miễn, giảm tiền thuê đất, thuê mặt nước.