Dòng vốn hòa nhanh vào nhịp tăng trưởng

Trong nửa đầu năm 2025, nhiều dự án trọng điểm như đường cao tốc, sân bay, đường vành đai được đẩy nhanh tiến độ, thậm chí về đích sớm. Đầu tư công đang trở thành động lực chính cho tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều lĩnh vực vẫn gặp khó.

Dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi.
Dự án cao tốc Bãi Vọt - Hàm Nghi.

Theo Bộ Tài chính, ước giải ngân vốn đầu tư công đến ngày 30/6 đạt hơn 268.100 tỷ đồng, bằng 32,5% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao, cao hơn cùng kỳ năm trước cả về số tuyệt đối và tương đối (giải ngân cùng kỳ năm 2024 đạt 188.400 tỷ đồng, bằng 28,2% kế hoạch năm).

Hiệu quả rõ rệt

Dự án cao tốc Bắc - Nam giai đoạn 2021-2025 đang được triển khai đồng loạt trên 12 tuyến thành phần với tổng chiều dài 729 km. Trong đó, đoạn Bãi Vọt - Hàm Nghi là một điển hình cho việc đẩy nhanh tiến độ và giải ngân vốn. Các nhà thầu được yêu cầu thi công ba ca liên tục, bốn kíp luân phiên, làm xuyên lễ Tết, trong khi chính quyền địa phương cam kết bàn giao mặt bằng đúng hạn và linh hoạt cấp phép mỏ vật liệu. Đến tháng 6, đoạn tuyến này đã hoàn thành hơn 70% khối lượng, dự kiến thông xe kỹ thuật ngay trong quý II, vượt tiến độ đề ra.

Tương tự, Cảng Hàng không quốc tế Long Thành là công trình có tổng mức đầu tư hơn 109.000 tỷ đồng cho giai đoạn 1. Đến giữa năm 2025, dự án đã bước vào cao điểm thi công nhiều hạng mục như nhà ga hành khách, đường băng, hệ thống thoát nước, giao thông kết nối. Tiến độ hiện nay vượt kế hoạch đề ra, nhờ sự phối hợp chặt chẽ giữa chủ đầu tư, các nhà thầu lớn trong và ngoài nước cùng sự chỉ đạo sát sao từ Chính phủ. Đây cũng là một trong số ít công trình có tỷ lệ giải ngân đạt yêu cầu và tiến độ kiểm soát nghiêm ngặt.

Sự quyết liệt trong chỉ đạo, điều hành của Chính phủ và sự nỗ lực của các bộ, ngành, địa phương, các chủ đầu tư, nhà thầu… trong giải ngân vốn đầu tư công đã mang lại hiệu quả rõ rệt. Theo Bộ Tài chính, các công trình, dự án trọng điểm cơ bản đều đạt và vượt tiến độ, yêu cầu đề ra, không dự án nào bị chậm. Đến nay, cả nước đã hoàn thành, đưa vào khai thác 16 tuyến cao tốc, nâng tổng số đường bộ cao tốc từ 1.327 km lên 2.268 km, bảo đảm hoàn thành mục tiêu 3.000 km đường cao tốc trong năm 2025.

Trong báo cáo về đầu tư công vừa công bố, ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital chỉ ra hai yếu tố chính thúc đẩy giải ngân đầu tư công trong nửa đầu năm 2025, đó là: Nhận thức cao hơn về việc đẩy nhanh giải ngân đầu tư công và đẩy mạnh phân cấp, phân quyền về địa phương nhằm rút ngắn quy trình và trực tiếp thực thi các dự án trọng điểm.

Đặc biệt, giải ngân đầu tư công đang tăng mạnh ở cấp tỉnh, với mức tăng hơn 40% so với cùng kỳ năm trước. Một số tỉnh, thành phố đang tiến hành sáp nhập đơn vị hành chính cùng với những sáng kiến khác của Chính phủ đã giúp đẩy nhanh tiến độ phê duyệt dự án.

Ngoài ra, Quốc hội đã thông qua một loạt biện pháp cho phép chính quyền địa phương phê duyệt các dự án quy mô lớn như sân bay, khu đô thị hơn 50 ha mà trước đây phải trình Thủ tướng Chính phủ xem xét. Đồng thời, quy trình phê duyệt cho các dự án công cả ở cấp Trung ương lẫn địa phương đang được tinh giản, đã giúp giải ngân đầu tư công tăng.

Duy trì đà giải ngân mạnh mẽ

Ngoài ra, theo ông Michael Kokalari, các dự án quy mô quốc gia cũng đang được đẩy nhanh tiến độ, thời gian khởi công và hoàn thành một số công trình lớn đã được rút ngắn. Điển hình như sân bay Long Thành (13 tỷ USD), đường vành đai Hà Nội và TP Hồ Chí Minh (13 tỷ USD), tuyến đường sắt Lào Cai - Hà Nội - Hải Phòng (8,4 tỷ USD) đã được rút ngắn thời gian tới ba năm.

Khung pháp lý cũng đang được điều chỉnh, đặc biệt đối với một số luật liên quan đến đầu tư cơ sở hạ tầng, với mục tiêu tăng cường sự tham gia của khu vực tư nhân vào các dự án phù hợp định hướng phát triển hạ tầng quốc gia, đồng thời đơn giản hóa quy trình giải ngân vốn công.

“Những thay đổi mạnh mẽ trên đã có những tác động tích cực đến giải ngân vốn đầu tư công và Việt Nam đang ở vị thế thuận lợi để duy trì đà giải ngân mạnh mẽ cho đầu tư hạ tầng. Trở ngại chính cho việc giải ngân chậm trong quá khứ phần lớn là do các vướng mắc pháp lý và thủ tục hành chính, điều mà các cải cách pháp lý ở phần trên đang từng bước tháo gỡ”.

Không chỉ các chuyên gia nước ngoài, giới học thuật trong nước cũng đánh giá cao vai trò và dư địa của đầu tư công. Theo PGS, TS Nguyễn Hữu Huân, Trưởng bộ môn Thị trường tài chính, Khoa Ngân hàng, Trường đại học Kinh tế TP Hồ Chí Minh, việc Chính phủ đặt mục tiêu giải ngân 100% vốn đầu tư công trong năm nay là một quyết sách mạnh mẽ, thể hiện quyết tâm thúc đẩy tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh nhiều thách thức.

Đặc biệt, đầu tư công vào các lĩnh vực hạ tầng giao thông, năng lượng, y tế, giáo dục, không chỉ trực tiếp tạo ra “cú huých” cho tổng cầu ngắn hạn thông qua việc tăng chi tiêu, tạo việc làm và thu nhập cho người lao động, mà còn có tác dụng lan tỏa lâu dài nhờ nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế.

Tuy nhiên, theo vị chuyên gia này, để hoàn thành mục tiêu này không phải là điều dễ dàng, bởi hiện nay tiến độ giải ngân vẫn còn chậm do nhiều nguyên nhân như vướng mắc trong giải phóng mặt bằng, thiếu vật liệu xây dựng, những khó khăn về quy hoạch, cũng như tâm lý e ngại, sợ trách nhiệm ở một số nơi. Trong khi đó, Luật Đầu tư công đã được sửa đổi, bổ sung qua nhiều lần nhằm khắc phục các bất cập trong thực tiễn, nhưng quá trình triển khai vẫn còn nhiều điểm nghẽn, đặc biệt về thủ tục, phân cấp và tính linh hoạt trong điều hành.

Để hoàn thiện hơn trong giai đoạn tới và thật sự phát huy vai trò của đầu tư công đối với tăng trưởng kinh tế, ông Huân cho rằng, cần tiếp tục đơn giản hóa thủ tục hành chính, rút ngắn quy trình chuẩn bị, phê duyệt và giải ngân dự án đầu tư công. Đặc biệt, nên ứng dụng mạnh mẽ chuyển đổi số, liên thông dữ liệu giữa các cơ quan để hạn chế tình trạng chồng chéo giấy tờ, xin ý kiến qua nhiều cấp. Có thể xem xét cơ chế “một cửa số hóa” cho toàn bộ quy trình đầu tư công, từ lập chủ trương, thẩm định, giải phóng mặt bằng đến giải ngân.

Tăng cường phân cấp, phân quyền thực chất cho địa phương gắn với cơ chế giám sát, kiểm soát rủi ro phù hợp. Địa phương cần được chủ động hơn trong điều chỉnh danh mục, phân bổ và điều chuyển vốn giữa các dự án trong cùng nhóm, cùng mục tiêu, miễn là bảo đảm nguyên tắc công khai, minh bạch, không làm tăng tổng mức đầu tư và tuân thủ kế hoạch tổng thể. Song song, cần tăng cường hậu kiểm, xử lý nghiêm các sai phạm và phòng ngừa tham nhũng, thất thoát.

Nâng cao trách nhiệm giải trình của chủ đầu tư, các ban quản lý dự án, đi đôi với chế tài đủ mạnh để xử lý trường hợp chậm trễ, thiếu trách nhiệm, hoặc không bảo đảm chất lượng dự án. Luật cần bổ sung quy định đánh giá định kỳ hiệu quả thực tế các dự án đầu tư công, công khai thông tin cho xã hội và cho phép các tổ chức độc lập, chuyên gia giám sát. Khuyến khích đổi mới sáng tạo trong đầu tư công, thí dụ áp dụng mô hình hợp tác công - tư (PPP) linh hoạt, khuyến khích xã hội hóa đầu tư trong những lĩnh vực phù hợp, đồng thời ứng dụng công nghệ trong giám sát tiến độ, chất lượng dự án theo thời gian thực tế.

Cuối cùng, cần xây dựng một hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về đầu tư công, liên thông, minh bạch, công khai tiến độ và hiệu quả các dự án, từ đó tạo điều kiện cho giám sát xã hội, tăng niềm tin của người dân và doanh nghiệp vào hiệu quả sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

Các chuyên gia khẳng định, giải ngân đầu tư công đang trở thành động lực quan trọng cho tăng trưởng. Tuy nhiên, để duy trì hiệu quả và hoàn thành mục tiêu cả năm, cần tiếp tục tháo gỡ nút thắt thủ tục, đẩy mạnh phân cấp, ứng dụng số và nâng cao trách nhiệm thực thi.

Ông Michael Kokalari, Giám đốc Phòng Phân tích kinh tế vĩ mô và Nghiên cứu thị trường VinaCapital tin rằng: “Sự kết hợp giữa sáp nhập hành chính, nới lỏng quy định và trọng tâm phát triển kinh tế toàn diện đang góp phần thúc đẩy mạnh mẽ giải ngân đầu tư hạ tầng, được xem là động lực quan trọng cho tăng trưởng GDP”.

GIA HƯNG