Thời Nay đã có cuộc trò chuyện với đồng chí Phạm Hồng Hiệp, Bí thư Tỉnh đoàn Gia Lai xoay quanh mục tiêu hiện thực hóa chuyển đổi số cấp cơ sở, đưa chính quyền điện tử gần hơn với đời sống hằng ngày của người dân.
Phóng viên (PV): Xin đồng chí cho biết Tỉnh đoàn đã triển khai những chương trình, hoạt động cụ thể nào để hỗ trợ người dân tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính?

Đồng chí Phạm Hồng Hiệp: Trong thời gian qua, Tỉnh đoàn đã chỉ đạo triển khai nhiều chương trình thiết thực để hỗ trợ người dân, đặc biệt là ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số tiếp cận dịch vụ công trực tuyến và các thủ tục hành chính. Nổi bật là các mô hình “Ngày thứ Bảy tình nguyện hỗ trợ người dân thực hiện thủ tục hành chính”, “Đoàn viên đồng hành cùng công dân số”, hay “Tổ công nghệ số cộng đồng”, đội hình Bình dân học vụ số tại các xã, phường.
Đoàn viên, thanh niên đã trực tiếp hỗ trợ người dân đăng ký tài khoản định danh điện tử, sử dụng cổng dịch vụ công quốc gia, cài đặt và sử dụng các ứng dụng thiết yếu như VNeID, VSSID, sổ sức khỏe điện tử, khai báo y tế, thanh toán học phí, viện phí không dùng tiền mặt. Đặc biệt, các tổ chức đoàn ở địa phương cũng đã phối hợp tổ chức các buổi tập huấn, truyền thông về chuyển đổi số cho người dân, từ đó giúp họ từng bước hình thành thói quen sử dụng dịch vụ công trực tuyến.
PV: Theo đồng chí, tính hiệu quả từ các mô hình như “Ngày thứ Bảy tình nguyện” hay “Đoàn viên đồng hành cùng công dân số” trên toàn tỉnh có nên được nhân rộng hơn không?
Đồng chí Phạm Hồng Hiệp: Chắc chắn là có. Chúng tôi đã đưa các mô hình này vào chương trình công tác hằng năm, đồng thời chỉ đạo nhân rộng tại 100% huyện, thị, thành đoàn và đoàn trực thuộc, hiện nay là Đoàn Thanh niên các xã, phường. Bên cạnh việc duy trì định kỳ, các đơn vị cơ sở còn linh hoạt tổ chức theo từng giai đoạn hoặc theo yêu cầu của người dân, chính quyền địa phương. Tỉnh đoàn cũng xây dựng bộ công cụ hướng dẫn thống nhất để các đơn vị triển khai hiệu quả, đồng thời tổ chức sơ kết, đánh giá và khen thưởng kịp thời để khích lệ phong trào. Mục tiêu là để mỗi đoàn viên, thanh niên đều trở thành “cầu nối” giữa công nghệ với người dân.
PV: Làm thế nào để các hoạt động của Đoàn Thanh niên không chỉ dừng lại ở hỗ trợ hành chính mà còn góp phần thay đổi nhận thức của người dân về chính quyền số và chuyển đổi số?
Đồng chí Phạm Hồng Hiệp: Chuyển đổi số không đơn thuần là thay đổi công cụ, mà là thay đổi nhận thức và thói quen, đây mới là phần việc khó nhất và là mục tiêu mà Tỉnh đoàn hướng tới. Do đó, hoạt động của Đoàn Thanh niên không phải là “làm giúp” mà là hướng dẫn người dân tin và làm chủ công nghệ. Chúng tôi định hướng thanh niên vừa là người hỗ trợ kỹ thuật, vừa là người truyền thông vừa là người đồng hành giúp người dân hiểu được quyền lợi khi sử dụng dịch vụ công trực tuyến, từ đó hình thành niềm tin vào bộ máy chính quyền số. Tuy nhiên, muốn làm được điều đó, đoàn viên phải có kiến thức, có kỹ năng và đặc biệt là có sự kiên trì, gần gũi, thân thiện. Tỉnh đoàn sẽ luôn đồng hành, hỗ trợ nhân dân để khẳng định sức trẻ, vai trò trách nhiệm và nhiệt huyết của tuổi trẻ.
PV: Trong thời gian tới, Tỉnh đoàn có kế hoạch gì để hỗ trợ người dân tiếp cận các dịch vụ công nghệ cao hơn, thí dụ như thanh toán không dùng tiền mặt hay các ứng dụng quản lý thông tin cá nhân?
Đồng chí Phạm Hồng Hiệp: Ban Thường vụ Tỉnh đoàn hiện đang phối hợp với các đơn vị viễn thông và công nghệ trên địa bàn tỉnh tổ chức tuyên truyền và hướng dẫn nhân dân sử dụng các nền tảng thanh toán số. Thông qua đó, đoàn viên, thanh niên sẽ phối hợp với nhân viên, chuyên gia các đơn vị có liên quan hướng dẫn người dân mở tài khoản ngân hàng số, sử dụng ví điện tử, đặc biệt ở các địa phương còn nhiều khó khăn. Ngoài ra, Tỉnh đoàn đang triển khai mô hình Tổ công nghệ số thanh niên, đội hình Bình dân học vụ số để hỗ trợ cài đặt, hướng dẫn sử dụng các ứng dụng quản lý thông tin cá nhân tại các điểm dân cư. Từ đó, từng bước đưa công nghệ số đến gần với đời sống người dân, giúp họ nhận thấy tiện ích và yên tâm khi sử dụng.
PV: Xin cảm ơn đồng chí về cuộc trò chuyện này!