Doanh thu sách thiếu nhi giảm nhiều năm liền

Doanh thu 6 tháng đầu năm 2025 của Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh đạt hơn 31 tỷ đồng, tăng gần 9% so cùng kỳ năm ngoái. Tuy nhiên, doanh thu sách thiếu nhi lại giảm khoảng 580 triệu đồng so cùng kỳ.

Doanh thu sách thiếu nhi giảm nhiều năm liền

Báo cáo của Công ty Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy, nửa năm 2025, số lượng sách bán ra chỉ đạt khoảng 339.376 bản, giảm 945 cuốn (giảm 1,8%) so với năm 2024. Đặc biệt, số tựa sách mới phát hành chỉ còn 1.108 đầu sách, giảm 803 tựa (giảm 42%) so với năm 2024.

Doanh thu từ sách thiếu nhi trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt gần 4 tỷ đồng, giảm đến 12,75% so mức thu hơn 4,5 tỷ đồng của cùng kỳ năm ngoái. Đây không phải là cú trượt ngắn hạn vì doanh thu từ sách thiếu nhi đã bắt đầu giảm từ năm 2023 với mức 4,6 tỷ đồng cho hơn 110 nghìn bản sách bán ra. Như vậy, chỉ trong hai năm, số lượng sách thiếu nhi bán ra đã giảm gần 36,5% (từ 115.169 xuống 73.113 cuốn), và doanh thu cũng rơi hơn 628 triệu đồng (từ 4,61 tỷ đồng xuống gần 4 tỷ đồng).

Đại diện Đường sách Thành phố Hồ Chí Minh cho rằng, nếu không có những thay đổi mang tính bước ngoặt trong cách làm sản phẩm, đổi mới trải nghiệm và nâng cao sự kết nối với độc giả nhí, mảng sách thiếu nhi sẽ tiếp tục sụt giảm.

Thông điệp hòa bình tại Hội nghị Đối thoại Văn minh Toàn cầu

Vừa qua, hội nghị cấp Bộ trưởng Đối thoại Văn minh Toàn cầu đã diễn ra tại Bắc Kinh với hơn 600 đại biểu từ Trung Quốc và nhiều quốc gia, nhằm thúc đẩy hiểu biết, tin cậy và hợp tác toàn cầu. Hội nghị có chủ đề “Bảo vệ Đa dạng các nền văn minh nhân loại vì Hòa bình và Phát triển Thế giới”, gồm phiên khai mạc, thảo luận toàn thể, diễn đàn song song và các hoạt động tham quan thực tế.

Tại sự kiện, Nhà văn Nguyễn Bình Phương, Phó Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, đã để lại dấu ấn sâu sắc với bài phát biểu “Ngôi nhà vắng bóng thần Tam Bành”. Ông chia sẻ trải nghiệm từ gia đình mình để nhấn mạnh thông điệp đoàn kết, lắng nghe và tránh xung đột, đồng thời cảnh báo nguy cơ mâu thuẫn do thiếu hiểu biết giữa các dân tộc. Ông giải thích: “Hòa bình là căn nhà được xây nên từ sự thấu hiểu và khoan dung giữa những người anh em, và căn nhà ấy không thể có bóng dáng thần Tam Bành”. Thần Tam Bành trong văn hóa dân gian Trung Hoa tượng trưng cho cơn nóng giận, sự mù quáng và những cảm xúc bốc đồng khiến con người hành xử sai lầm, dễ dẫn tới chia rẽ. Ông nhấn mạnh, chỉ khi các dân tộc biết lắng nghe, cảm thông và kiểm soát nóng giận, thế giới mới tránh được xung đột, xây dựng hòa bình và phát triển bền vững.

Qua đó, ông khẳng định văn học là cầu nối quan trọng giúp các nền văn hóa hiểu nhau sâu sắc, nhất là trong quan hệ Việt - Trung.