Tiếp đến không sử dụng bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói) để chứa đựng, tiếp xúc trực tiếp với thực phẩm kể từ ngày 1/1/2028.
Lệnh cấm này nằm trong Nghị quyết quy định biện pháp giảm phát thải nhựa trong hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ và sinh hoạt trên địa bàn thành phố (thực hiện điểm d khoản 2 Điều 28 Luật Thủ đô) vừa được HĐND thành phố Hà Nội thông qua. Nghị quyết đưa ra lộ trình dừng sản xuất, nhập khẩu, sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần (trừ sản phẩm được chứng nhận nhãn sinh thái Việt Nam), bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm) và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa trên toàn bộ thành phố.
Cụ thể, với hoạt động kinh doanh dịch vụ, thành phố đưa ra lộ trình các khách sạn, khu du lịch không lưu hành và sử dụng các sản phẩm từ nhựa sử dụng một lần gồm bàn chải đánh răng, dao cạo râu, tăm bông, mũ tắm, bao bì nhựa sử dụng một lần chứa, đựng kem đánh răng, sữa tắm, sữa dưỡng thể, dầu gội, sữa dưỡng tóc để phục vụ khách du lịch.
Đối với chợ, cửa hàng tiện lợi không cung cấp miễn phí túi nylon khó phân hủy sinh học, không lưu hành và sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học (gồm túi nylon khó phân hủy sinh học, hộp nhựa xốp đóng gói, chứa đựng thực phẩm). Trong hoạt động sinh hoạt, cơ quan, đơn vị, tổ chức, đoàn thể trực thuộc chính quyền thành phố không sử dụng sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học từ ngày 1/1/2028.
Báo cáo của Ngân hàng Thế giới cho biết, Việt Nam liên tục nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về rò rỉ rác thải nhựa. Ước tính năm 2018, Việt Nam phát thải khoảng 3,7 triệu tấn rác thải nhựa, dự báo đến 2030 con số này là 7,6 triệu tấn. Chỉ có 0,4 triệu tấn trong số này được tái chế, trong khi hầu hết đều bị đốt cháy, đổ hoặc chôn lấp.
Với hoạt động sản xuất, doanh nghiệp sản xuất có sử dụng nhựa PE, PP trong các bao bì phải sử dụng tối thiểu 20% nhựa tái chế trong các bao bì và nâng lên tối thiểu 30% sau 2 năm. Kể từ ngày 1/1/2031, dừng sản xuất, nhập khẩu sản phẩm nhựa sử dụng một lần, bao bì nhựa khó phân hủy sinh học và sản phẩm, hàng hóa chứa vi nhựa, trừ trường hợp sản xuất để xuất khẩu và trường hợp sản xuất, nhập khẩu bao bì nhựa khó phân hủy sinh học để đóng gói sản phẩm, hàng hóa bán ra thị trường.
Theo UBND thành phố Hà Nội số lượng chất thải nhựa phát sinh ở địa bàn hơn 1.400 tấn/ngày, trong đó hơn 60% là chất thải nhựa dùng một lần và túi nylon. Số lượng túi nylon dùng một lần tại các siêu thị ở Hà Nội đang rất lớn, khảo sát tại 48 siêu thị, số lượng túi nylon phát ra miễn phí mỗi ngày là 104 nghìn túi, tương đương với 38 triệu túi/năm. Túi nylon chiếm tỷ lệ 38,5% tổng trọng lượng chất thải nhựa, bên cạnh đó là tỷ trọng của bao gói nhiều lớp chiếm 21,4%. Hai loại này chủ yếu được xử lý tại các bãi chôn lấp hoặc lò đốt, vì vậy việc ban hành quy định một số biện pháp giảm phát thải nhựa riêng của thành phố là hết sức cần thiết và phù hợp với các quy định.