Đêm không ngủ ở miền tây Nghệ An, chính quyền và người dân trắng đêm chạy lũ

Do ảnh hưởng bão số 3, mưa lớn khiến trên địa bàn nhiều xã miền tây Nghệ An xảy ra lũ ống, lũ quét, sạt lở đất. Đêm 22/7, dường như là một đêm không ngủ với cấp ủy, chính quyền, lực lượng vũ trang và nhân dân nơi đây.

Người dân xã Tương Dương chạy lũ trong đêm 22/7. (Ảnh: ĐÌNH TUÂN)
Người dân xã Tương Dương chạy lũ trong đêm 22/7. (Ảnh: ĐÌNH TUÂN)

Khoảng 23 giờ 20 phút, nước sông Nậm Mô dâng cao cộng với việc các nhà máy thủy điện ở phía thượng nguồn xả lũ khiến nhiều khu vực tại xã Mường Xén (huyện Kỳ Sơn cũ), nhất là khu vực khối 1, 4, 5 và dọc Quốc lộ 7 ngập lụt nghiêm trọng.

Ở khối 1, nhiều khu vực nước ngập đến mái nhà. Nước lên quá nhanh khiến người dân chạy lũ khẩn cấp trong đêm, nhiều hộ không kịp di dời tài sản nên các đồ đạc trong nhà như ti-vi, tủ lạnh, máy giặt và nhiều đồ dùng có giá trị khác bị lũ cuốn trôi.

lu-nghe-an.png
Người dân xã Tương Dương bỏ lại nhà cửa, sơ tán khẩn cấp trong đêm 22/7. (Ảnh cắt từ video clip)

Bí thư Đảng ủy xã Mường Xén Nguyễn Viết Hùng cho biết, nước sông không ngừng dâng cao và đến hơn 23 giờ 40 phút, khu vực trước cổng vào Ủy ban nhân dân xã Mường Xén đã ngập đến đầu người lớn, cán bộ xã không thể vào được trụ sở. Toàn bộ khu vực trung tâm xã đều mất điện.

519955648-3802429503235395-8807829536120847419-n.jpg
Ảnh chụp tại xã Mường Xén sáng ngày 23/7.
khe-thoi-6643.jpg
Quốc lộ 7 đoạn Khe Thơi (xã Châu Khê, Nghệ An) lúc 3 giờ ngày 23/7 bị ngập nặng, phương tiện không thể lưu thông. (Ảnh: LÊ THẠCH)

Tại xã Tương Dương, Ủy ban nhân dân xã phải họp khẩn giữa đêm để tìm phương án ứng phó hiệu quả. Ngay trong đêm, xã Tương Dương đã phải di dời các hộ dân tại khối Hòa Bắc và khối Hòa Đông.

Cũng trong đêm qua, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã sơ tán khẩn cấp các hộ dân tại khu vực bản Vẽ, bố trí sơ tán 120 hộ dân đến nơi an toàn, tạm trú tại điểm trường tiểu học.

z6831716290732-ae8138367d502a8918bbf76d5078314d-4545.jpg
Tuyến Quốc lộ 7, đoạn đầu xã Con Cuông bị ngập sâu hơn 1m, khiến tuyến giao thông bị chia cắt.

Trên địa bàn xã Tam Thái, các lực lượng chức năng và Công an xã cũng khẩn trương di dời 15 hộ, 65 khẩu có nguy cơ cao thuộc các bản Lũng, Cánh Tráp, Cây Me đến nơi an toàn.

520227635-1140038061506760-7064159871359975325-n.jpg
Lực lượng chức năng xã Con Cuông dầm mình trong đêm giúp người dân bảo đảm an toàn trong mưa lũ đêm 22/7. (Ảnh: CSCC)
z6831725911731-c00e64d132367f77a77b2d43cd738859-6573.jpg
Người dân xã Con Cuông di dời tài sản trong sáng 23/7.

Còn tại xã Quỳ Châu, chiều tối 22/7, do mưa lớn và thủy điện trên thượng nguồn xả lũ với lưu lượng 1.958m3/giây (thấp hơn gần 1m so đỉnh lũ năm 2023) nên mực nước tại sông Hiếu lên rất nhanh, khiến Quốc lộ 48 có 3 điểm ngập sâu, chiều dài ảnh hưởng khoảng 10km. Có khoảng hơn 105 nhà bị ngập. Đến 23 giờ cùng ngày, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã hoàn thành di chuyển 493 người đến nơi an toàn.

“Đợt mưa lũ này khiến cho khoảng 200ha diện tích cây keo, 80ha mía và 30ha ngô gãy đổ... Tổng thiệt hại ước tính đã lên đến 1,5 tỷ đồng”, ông Nguyễn Văn Dũng, Chủ tịch Ủy ban nhân dân xã Quỳ Châu cho hay.

520874755-3936281969849873-2905186010029341669-n.jpg
Đồn Biên phòng Tam Quang phối hợp với địa phương trực canh các điểm xung yếu ngập lụt bảo đảm an toàn. (Ảnh: HẢI THƯỢNG)
z6831839484763-714323d27a1c150a004747fbad51a6a3-7561.jpg
Sáng 23/7, đồng chí Lê Hồng Vinh, Chủ tịch Ủy ban nhân dân tỉnh Nghệ An trực tiếp đến địa bàn các xã miền tây để kiểm tra, chỉ đạo công tác ứng phó với mưa lũ do hoàn lưu bão số 3.

Theo thông tin từ Văn phòng Ban Chỉ huy Phòng, chống thiên tai-Tìm kiếm cứu nạn và Phòng thủ dân sự tỉnh Nghệ An, lúc 7 giờ ngày 23/7, mực nước lòng hồ Thủy điện Bản Vẽ đang ở cao trình 199,3m. Lưu lượng nước về hồ đạt 8.000m3/giây. Lưu lượng xả 4.300m3/giây. Các cửa của nhà máy thủy điện này cũng đã mở tối đa với 6 cửa từ đêm qua.

TRUNG HIẾU-ĐÌNH PHƯỢNG