Dấu ấn cá nhân trong thành công của đất nước

Năm 2011 khởi đầu nhiệm kỳ Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI là nhiệm kỳ đầu tiên đồng chí Nguyễn Phú Trọng giữ cương vị người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta. Đã gần 15 năm với ba nhiệm kỳ đại hội trôi qua, dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong việc triển khai các vấn đề kinh tế được nêu trong Cương lĩnh năm 2011 (sửa đổi Cương lĩnh năm 1991) ngày càng đậm nét và được cụ thể hóa. Trong đó, các quan điểm về phát triển trong Chiến lược phát triển kinh tế-xã hội ngày càng được hoàn thiện, rõ nhất là quan điểm về phát triển nhanh và bền vững, và quan điểm xây dựng nền kinh tế tự chủ.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I) tại tỉnh Bình Dương, ngày 13/4/2013. Ảnh: Trí Dũng
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm Khu công nghiệp Việt Nam - Singapore I (VSIP I) tại tỉnh Bình Dương, ngày 13/4/2013. Ảnh: Trí Dũng

Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội (bổ sung và phát triển năm 2011) được xác định với nội dung cốt lõi là phát triển hài hòa giữa chiều rộng và chiều sâu, chú trọng phát triển chiều sâu, phát triển kinh tế tri thức. Các khái niệm kinh tế xanh, kinh tế tuần hoàn lần lượt được đưa vào trong Văn kiện đại hội.

Tuy nhiên, khi bắt tay vào thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XI, do ảnh hưởng của khủng hoảng tài chính (hệ quả của việc cho vay dưới chuẩn của hệ thống ngân hàng tại Mỹ), nền kinh tế nước ta cũng bị ảnh hưởng nghiêm trọng. Vì vậy, ngay sau Đại hội, dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, Bộ Chính trị và Ban Bí thư đã có Nghị quyết về tình hình kinh tế vĩ mô của đất nước, đặt mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô, nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh, bảo vệ môi trường, chủ động ứng phó biến đổi khí hậu.

Ngay trong nhiệm kỳ Đại hội này, cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư bùng nổ, tạo ra nhiều đột biến về phát triển kinh tế thế giới trên nền tảng khoa học công nghệ, nhưng đồng thời cũng tạo ra nhiều thời cơ, thách thức đối với Việt Nam. Tập thể Bộ Chính trị, đứng đầu là đồng chí Nguyễn Phú Trọng, đã kịp thời ban hành Nghị quyết số 52-NQ/TW về một số chủ trương, chính sách chủ động tham gia cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, trong đó giải thích rõ quan điểm phát triển nhanh, bền vững với cách tiếp cận hoàn toàn mới. Chủ động tận dụng thời cơ do cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư đem lại, gắn với quá trình hội nhập kinh tế quốc tế để cơ cấu lại nền kinh tế, phát triển kinh tế số, xã hội số, coi đây là nhân tố quyết định để nâng cao năng suất, chất lượng hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế.

Chính nhờ việc Trung ương có những nhận thức và chỉ đạo kịp thời nên các chương trình hành động trong Chiến lược phát triển kinh tế xã hội 10 năm (2011-2020) cũng như Chiến lược 2021-2030 đã từng bước phát triển và nâng cao.

Tại các hội nghị, diễn đàn quốc tế về phát triển bền vững, Việt Nam chủ động cam kết đến năm 2050, chúng ta đạt tới trạng thái trung hòa carbon (hay còn gọi là phát thải bằng 0). Đây là một mục tiêu không hề dễ dàng để đạt được, ngay cả đối với nhiều nước công nghiệp tiên tiến trên thế giới.

Song hành với quan điểm về phát triển nhanh và bền vững, Cương lĩnh năm 2011 cũng nêu bật quan điểm xây dựng nền kinh tế tự chủ. Đến Đại hội XII, quan điểm kinh tế tự chủ được cụ thể hóa là việc huy động mọi nguồn lực trong nước, đồng thời chủ động hội nhập quốc tế, huy động và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực bên ngoài để phát triển nhanh, bền vững. Tạo mọi điều kiện thuận lợi để phát triển mạnh doanh nghiệp Việt Nam, nhất là lấy doanh nghiệp tư nhân làm động lực, nâng cao sức cạnh tranh và tính tự chủ của nền kinh tế.

Bước vào thập niên thứ ba của thế kỷ 21, dưới tác động của đại dịch Covid-19, các cuộc khủng hoảng kinh tế, khủng hoảng địa chính trị trên nền của cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư, xu hướng toàn cầu hóa thế giới đã có lúc, có nơi phải nhường bước cho vấn đề dân tộc và quyền lợi quốc gia. Văn kiện Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xác định: Giữ vững độc lập, tự chủ trong việc xác định chủ trương, đường lối chiến lược phát triển kinh tế của đất nước; phát triển doanh nghiệp Việt Nam lớn mạnh, trở thành nòng cốt của kinh tế đất nước; giữ vững các cân đối lớn, chú trọng bảo đảm an ninh kinh tế; đa phương hóa, đa dạng hóa quan hệ kinh tế quốc tế, tránh phụ thuộc vào một thị trường, một đối tác…

Hiện nay, Việt Nam đã hội nhập sâu rộng vào kinh tế thế giới, thể hiện ở độ mở của nền kinh tế thuộc loại cao nhất, với tỷ trọng xuất nhập khẩu trên GDP đạt tới hơn 200%. Việt Nam đã chủ động tham gia hầu hết các hiệp định thương mại tự do đa phương thế hệ mới. Để chuẩn bị tham gia vào các hiệp định này, dưới sự chỉ đạo sát sao của Bộ Chính trị, mà đứng đầu là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, Việt Nam đã hoàn thiện hệ thống pháp luật theo yêu cầu, chuẩn mực và thông lệ quốc tế.

Sự đổi mới về quan điểm và chỉ đạo xây dựng nền kinh tế độc lập, tự chủ được thể hiện từ nhận thức đến nội dung chính sách. Trong đó nội dung chính sách được thể hiện rõ nét là đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế, hoàn thiện, nâng cao chất lượng thể chế kinh tế thị trường định hướng xã hội chủ nghĩa. Qua ba kỳ Đại hội, nội dung đổi mới còn được thể hiện trong việc đánh giá kết quả thực hiện qua các nhiệm kỳ Đại hội, kết hợp sự thay đổi nhanh chóng của môi trường quốc tế, kết hợp hài hòa các mục tiêu dài hạn và ngắn hạn, đã góp phần làm rõ phương hướng, mục tiêu và chính sách phát triển của từng nội dung trong từng giai đoạn đến 2025-2030, tầm nhìn năm 2045.

Để ra được một Nghị quyết của Bộ Chính trị, của Trung ương Đảng hay Nghị quyết Đại hội Đảng, chúng ta đều biết đó là trí tuệ tập thể của toàn Đảng, toàn dân, thể hiện khát vọng phát triển của đất nước, và trong đó, không thể thiếu được vai trò, dấu ấn của người đứng đầu, mà ở đây là Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Chính nhờ sự đổi mới liên tục và cách nhìn biện chứng đối với mọi diễn biến của kinh tế quốc tế và kinh tế trong nước, Trung ương Đảng đã có những nghị quyết chỉ đạo kịp thời, đưa đất nước vượt qua các giai đoạn khó khăn. Ngay cả trong những thời điểm khó khăn nhất như đại dịch Covid-19, nền kinh tế nước ta vẫn có tốc độ tăng trưởng cao, không xảy ra khủng hoảng xã hội.

Bài viết này thay nén tâm hương tưởng nhớ Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người lãnh đạo cao nhất của Đảng ta trong suốt ba nhiệm kỳ Đại hội, người đã đưa đất nước phát triển ổn định, bền vững để đạt được mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội dân chủ, công bằng, văn minh

TS NGUYỄN ĐỨC KIÊN (Đại biểu Quốc hội khóa XII, XIII, XIV, nguyên Tổ trưởng Tổ Tư vấn kinh tế của Thủ tướng)
Nguồn NHÂN DÂN CUỐI TUẦN