Trên mạng xã hội, các nền tảng truyền thông, trong những cuộc trò chuyện của giới làm nghề, người ta nhắc đến anh bằng một sự xúc động không giấu giếm. Hàng loạt bài viết, hình ảnh, dòng tưởng niệm… phủ lên không khí đời sống văn nghệ.
Cái tên Lê Thiết Cương từ lâu đã vượt khỏi danh xưng của một họa sĩ tối giản, người vẽ tranh bằng triết lý thiền và tư duy nghệ thuật riêng biệt. Anh hiện diện trong rất nhiều không gian văn hóa: hội họa, văn chương, Phật học, kiến trúc, báo chí, truyền thông, các cuộc trò chuyện về cái đẹp, những sản phẩm gốm, những cuốn sách, bài báo, câu chữ thấm đẫm tinh thần chiêm nghiệm. Và trên tất cả, là một Lê Thiết Cương của “sống đẹp”: trong cách nghĩ, cách làm, cách hiện diện và đóng góp cho nghệ thuật, cho đời.
Lê Thiết Cương bước vào hội họa từ đầu những năm 1990, một thời kỳ gian khó về vật chất nhưng sôi sục khát vọng tìm đường trong nghệ thuật đương đại. Ngay từ buổi ra mắt đầu tiên, anh đã gây ấn tượng với phong cách tối giản: tranh bột màu trên vải màn bồi giấy dó, chỉ vài ba nét hình, vài gam màu thanh đạm. Nhưng phía sau cái vẻ “chẳng có gì” ấy là nội lực dồn nén, là tri thức, là cảm xúc, là những mảnh đời sống ẩn mật được chắt lọc đến tận cùng để hiện hình. Mỗi đường nét, mỗi khoảng trống trong tranh anh đều gợi một cảm giác vừa thanh thoát, vừa khắc khoải.
Sự tối giản ấy không đơn thuần là lựa chọn mỹ thuật, mà là một lối sống, một cách tư duy: hành trình loại bỏ những ồn ào để giữ lại phần cốt lõi, một tinh thần thiền giữa thời nhiễu động và dễ dãi. Anh chọn con đường riêng, trung thành đến tận cùng với hội họa tối giản, không sao chép, không chiều theo thị hiếu. Anh vẽ bằng trực giác sâu sắc, bằng tri thức văn hóa, bằng đời sống nội tâm nhiều chiêm nghiệm, và nhiều khi, bằng cả những mảnh đau rất người.
Nhưng Lê Thiết Cương không chỉ là họa sĩ. Ở bất kỳ lĩnh vực nào anh chạm tới, làm gốm, viết sách, giám tuyển triển lãm, dàn dựng sách nghệ thuật, tổ chức sự kiện văn hóa, nghiên cứu Phật học, viết báo… anh đều để lại dấu ấn của một con người cầu toàn, có chiều sâu văn hóa và tinh thần độc lập hiếm thấy. Anh tiên phong những hình thức mới trong sáng tạo, tổ chức các sự kiện văn học, âm nhạc, hội hoạ cho bạn bè, hỗ trợ các hoạ sĩ trẻ, các tòa soạn, các nghệ sĩ. Trong văn học, anh đứng sau nhiều cuốn sách đẹp như một tác phẩm nghệ thuật, không riêng của mình, mà cả của bạn bè, của các bậc thầy văn chương như Đặng Đình Hưng, Hoàng Cầm, Lê Đạt, Nguyễn Huy Thiệp… và những cây bút đương đại mà anh đồng cảm: Nguyễn Việt Hà, Đỗ Bích Thúy, Đoàn Ngọc Thu, Nguyễn Ngọc Hạnh… Một cách ứng xử rất “kẻ sĩ”, rất Lê Thiết Cương.

Trong đời thường, Lê Thiết Cương là một tính cách lạ: khó chịu, cực đoan, thất thường, mà lại đầy hấp dẫn và cuốn hút. Làm việc với anh phải nếm trải đủ các cung bậc cảm xúc ấy mới hiểu, mới gắn bó, mới đi được đường dài. Với Báo Nhân Dân, đặc biệt là Nhân Dân hằng tháng, anh là một cộng sự thân thiết trong giai đoạn đổi mới. Anh không chỉ góp tranh minh họa mà còn “soi cái đẹp” cho tờ báo, kết nối với nhiều văn nghệ sĩ và trí thức. Những triển lãm minh họa báo, các dự án vẽ trên báo cũ Nhân Dân đều có dấu ấn và sự đồng hành của anh. Tuyển tranh, làm khung, treo tranh, việc gì anh cũng xắn tay, không nề hà. Gần đây, khi chúng tôi nhờ anh thiết kế một chiếc bình gốm cho báo, anh cùng Tổng Biên tập Lê Quốc Minh trực tiếp xuống tận Chu Đậu, bàn bạc chỉnh sửa từng chi tiết với nghệ nhân để cho ra một sản phẩm hoàn hảo. Có cảm giác, giúp ai đó tạo nên một sản phẩm đẹp luôn mang lại cho anh niềm hạnh phúc, một thứ “khoái cảm nghệ thuật”.
Lê Thiết Cương cũng là người cẩn trọng trong ngôn từ, sắc sảo trong tư duy. Suốt nhiều năm, anh đảm nhiệm chuyên mục văn hóa trên Nhân Dân hằng tháng, với cái tên “Thấy”, do chính anh đặt. Dưới ngòi bút của anh, một cổng làng, một món ăn, một ngôi chùa, một bức tranh… đều trở thành câu chuyện của tâm thức. Đằng sau cái “thấy” là một tầng nhìn rộng hơn: thấy lòng người, thấy những biến thiên xã hội, thấy những giá trị đang mờ dần trong đời sống hiện đại. Sau này, 47 bài viết trong chuyên mục ấy được tập hợp thành sách. Cuốn sách mở đầu cho chuỗi ấn phẩm cá nhân sau này của anh như: Nơi chốn đi và về, Nhà và người, Trò chuyện với hội họa…
Trong thế giới của chữ nghĩa, anh đọc rộng, nhớ dai, như “từ điển sống”. Mỗi khi cần một câu thơ hay, một dẫn dụ văn học mà tôi không chắc chắn, tôi lại tìm đến anh. Có lần tôi nghi ngờ một câu thơ, gọi anh hỏi. Anh hẹn: chiều mai qua anh. Tôi đến, anh để trước mặt tôi cuốn sách có bài thơ ấy: “Anh phải đặt mua trên mạng vì tác giả cũng không còn”. Tôi hoảng hốt: “Sao anh phải kỳ công thế?”. Anh bảo: “Đây là cuốn có nhiều câu hay. Em cần có!”.
Cũng với sự kỹ lưỡng ấy, anh từng giúp ca sĩ Vành Khuyên, người em đồng hương của tôi, hoàn thiện đĩa nhạc đầu tay. Khi chọn tên đĩa, Vành Khuyên đưa ra hàng chục phương án, anh gạt đi: “Sến lắm”, rồi nói gọn: “Vành Khuyên hát”. Giản dị mà gợi, mà đẹp. Anh còn giúp thiết kế maket, lựa bài, tổ chức ra mắt, việc gì cũng chu đáo đến từng chi tiết. Ai được anh giúp cũng thấy yên tâm, ấm lòng.

Nhưng đi cùng nhiệt huyết là cá tính dữ dội, đôi khi khiến bạn bè, đồng nghiệp, cộng sự “chịu trận”. Hồi đầu làm Nhân Dân hằng tháng bộ mới, tôi và họa sĩ Phan Duy Thanh thường sang nhà anh để nhờ chỉnh mỹ thuật. Anh để tâm từng chi tiết: vị trí con chữ, độ sáng của ảnh, khoảng trắng trong bố cục. Anh đọc kỹ từng bản thảo văn học trước khi vẽ minh họa, luôn thông minh, gợi mở. Nhưng anh cũng kỹ tính, khó chiều, nắn nót người đối diện. Nếu nhận ra những điều không vừa ý, là anh có ngay “ thông điệp”. Có hôm tôi hẹn qua anh lấy tranh mà bận quá nên quên mất. Báo sắp chuyển in tôi nhắn giục anh gửi minh hoạ. Anh nhắn : “ Vẽ xong rồi nhưng anh đang đi uống. Chiều về mới ký”. Tôi tức quá nhưng sực nhớ “ lỗi” mình nên vội vã nhắn lại: “Để em sang”. Anh: “Ừ, tuỳ”. Đến nơi, lòng đang bực cũng phải dịu đi: không gian đẹp, hương hoa thơm, bánh ngon mẹ anh làm, và nụ cười anh … rất hiền.
Nhớ năm Quý Mão 2023, tôi nhờ anh vẽ trên thân 10 con mèo gỗ cho triển lãm của báo. Vẽ xong, anh nhắn: “Em qua lấy đi”. Tôi đang bận nên cử nhân viên tới lấy mà không báo trước với anh. Thùng hàng mang về, tôi hí hửng mở ra ngắm. Đẹp thẩn thờ. Nhưng không có một con mèo nào có chữ ký của anh. Tôi nhắn. Anh trả lời: “Anh đang đi mua màu và bút, 17h30 đi thể dục, tiện đường sẽ qua ký”. Tôi ngồi chờ mà lòng bực bội vì quá hẹn nộp tác phẩm, vì biết “mua màu, mua bút” và “đi thể dục” là cách nói của anh. Đúng giờ, anh xuất hiện, quần áo, kính, giày đẹp đẽ, thơm tho, anh bày tác phẩm ra, nhẹ nhàng chấm màu, ký lên từng con mèo. Tôi ngồi nhìn, vừa tức, vừa buồn cười, lại thấy thương. Một kiểu “trừng phạt ngọt ngào” mà ai chơi sâu với anh rồi thì hiểu: đó là cách anh ép cộng sự phải trân trọng cái đẹp, phải nghiêm túc với từng thứ nhỏ bé. Một con người vừa đáng yêu, vừa đáng ghét – hai trạng thái ấy luôn song hành trong anh.
Có lần, giữa giờ xuất bản, tôi nhận tin nhắn: “Anh trách em. Đưa anh bản đọc mà không nói ngày nào lấy minh họa. Cho lính sang lấy mà không nhắn. Nhỡ anh không ở nhà thì sao? Anh không thích kiểu làm việc này. Có lẽ hết duyên với Nhân Dân hằng tháng cũng là đúng lúc. Stop here nhé. Đừng gọi lại anh”. Nói là vậy, vài hôm sau thư ký anh lại nhắn: “Sếp bảo bà làm bánh cất phần cho chị, sang lấy không bà buồn”. Rồi lại chính anh ân cần: “Làm việc vừa phải. Em nên nhớ, em phải yêu em trước nhất. Đời vừa dài vừa ngắn. Học anh cách sống, thưởng thức đời sống mỗi ngày”.
Làm việc với anh là làm quen với sự trái khoáy, với những nguyên tắc riêng, với sự khắt khe để đạt tới chuẩn thẩm mỹ mà anh đặt ra cho công việc. Một lần, tại sự kiện mỹ thuật của báo, tôi mời anh phát biểu. Trước đông người, anh chỉ tay vào phông nền: “Không thể chấp nhận trong sự kiện về cái đẹp mà bày biện những thứ lôi thôi thế này…”. Ai nấy tái mặt. Anh thì vẫn điềm nhiên. Anh không che giấu góc cạnh gai góc của mình, như một cách bắt thế gian phải chấp nhận phần dị biệt trong hành trình kiếm tìm cái đẹp của mình.
Nhớ sinh nhật tôi năm nào, tại một quán nhỏ. Anh đến, trước cửa phòng, tay cầm chai rượu, tay kia xách đôi giày. Anh dặn nhân viên quán: “Đừng để ai dẫm lên giày”. Bạn bè tôi nghe thì khó chịu, nhưng mấy ai hiểu: anh không chịu được cảnh xô bồ. Vào bàn ăn, anh sắp bát, khăn, đũa lại cho ngay ngắn vừa mắt và đặc biệt ghét giấy ăn vứt lung tung. Tôi công kích: Anh kỹ quá, ai dám gần, dám yêu. Anh bảo: “Ừ chơi với anh thì thích, yêu anh thì khổ, anh không muốn làm ai khổ…”.
Anh là người nghệ sĩ sống khắt khe với bản thân. Không dễ dãi, không chấp nhận sự cẩu thả. Chuẩn mực mà anh theo đuổi không chỉ nằm ở tranh , mà nằm trong thái độ sống, trong cách hành xử với nghề và với đời. Có lần anh nhắn tôi: “Ai rồi cũng già yếu và chết. Vậy hãy sống vui khi còn khoẻ”. Và đúng như vậy – anh đã sống một đời sống vui, một đời sống ý nghĩa. Một đời sống Đẹp.
Ngay cả khi biết mình không còn nhiều thời gian, anh vẫn miệt mài như chạy đua với cái chết: ra sách, tổ chức triển lãm, vẽ cho bạn bè, nâng đỡ thế hệ sau… Trong một sự kiện mang tên Phục xanh, anh tặng tác phẩm ấy cho Báo Nhân Dân. Và đến nay, cái cây “phục xanh” ấy vẫn sáng xanh mỗi ngày trong khuôn viên tòa soạn.
Một người đa tài. Một nghệ sĩ đi tìm cái đẹp bằng nhiều con đường. Một bạn hữu sâu sắc của nhiều giới. Hành trình của Đẹp nơi anh đã dừng lại. Nhưng cái Đẹp mà Lê Thiết Cương thắp lên, vẫn còn ở lại.