“Công thức" mới cho những không gian cũ

Có lẽ hiếm nơi nào có mật độ nhà hát tập trung dày đặc như khu vực quanh hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận (Hà Nội), nhưng nhiều thiết chế văn hóa hoạt động cầm chừng. Du lịch nghệ thuật, du lịch âm nhạc có thể là giải pháp để phát huy tối đa hiệu quả của những thiết chế này.

Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị “làm không hết việc”. (Ảnh TIẾN LONG)
Nhà hát Múa rối Thăng Long là đơn vị “làm không hết việc”. (Ảnh TIẾN LONG)

Thừa mà vẫn… thiếu

Chỉ tính riêng tuyến phố Tràng Tiền, hiện đã có ba nhà hát, gồm: Nhà hát Kịch Việt Nam, Nhà hát Lớn, Nhà hát Kịch Hà Nội. Tính rộng hơn, khu vực hồ Hoàn Kiếm và phụ cận có tất cả gần 10 nhà hát, thuộc nhiều loại hình nghệ thuật khác nhau: Nhà hát Hồ Gươm (phố Hàng Bài), Nhà hát Múa rối Thăng Long (phố Đinh Tiên Hoàng), Rạp Chuông Vàng (thuộc Nhà hát Cải lương Hà Nội, phố Hàng Bạc), Rạp Đại Nam (Nhà hát Chèo Hà Nội, phố Huế)… Trong đó, một số nhà hát còn mang đậm dấu ấn lịch sử-văn hóa.

Tuy nhiên, trên thực tế, không phải công trình nào cũng hoạt động hiệu quả. Nhiều nhà hát vốn thuộc sở hữu của các đơn vị nghệ thuật sân khấu chuyên nghiệp. Hiện chỉ có Nhà hát Múa rối Thăng Long là luôn “làm không hết việc”, từng nhận kỷ lục biểu diễn 365 ngày/năm. Phần còn lại, nhiều nhà hát hoạt động ở mức cầm chừng, thi thoảng mới đầu tư dàn dựng vở mới. Nhiều vở mới lại dựng theo “công thức” cũ, nên không thu hút khán giả.

Sân khấu Hà Nội đã từng có thời kỳ hoàng kim, nhưng quá khứ vàng son đó đã lùi xa từ mấy chục năm, đặc biệt là với sân khấu truyền thống. Chủ tịch Hội Sân khấu Hà Nội Nguyễn Hoàng Tuấn thẳng thắn thừa nhận, các loại hình nghệ thuật truyền thống đã và đang mất dần công chúng. Sân khấu kịch từng có thời sôi nổi cũng trong hoàn cảnh tương tự. Ngay như Nhà hát Kịch Hà Nội, dù toạ lạc ở vị trí “kim cương”, ngay giữa phố Tràng Tiền, thì việc thiếu vắng khán giả vẫn thường xuyên xảy ra. Nhiều nghệ sĩ sống chủ yếu bằng các hoạt động đóng phim, đóng quảng cáo, biểu diễn trong các lễ hội, sự kiện...

Đổi mới cách tiếp cận

Thời gian qua, một số đơn vị đã sớm nhận ra tình trạng “chỗ thừa, chỗ thiếu” và tìm giải pháp khai thác thế mạnh của mình. Cách đây gần tám năm, Ban Giám đốc Nhà hát Lớn Hà Nội đã phối hợp Công ty Du lịch AVI tour tổ chức thí điểm tour du lịch tham quan và thưởng thức biểu diễn nghệ thuật với kỳ vọng tạo một sản phẩm hấp dẫn cho khách du lịch. Khách tham quan được giới thiệu về kiến trúc, lịch sử của Nhà hát Lớn và thưởng thức một số tiết mục nghệ thuật trong thời gian 90 phút. Mặc dù được bước chân vào Nhà hát Lớn là mong ước của nhiều người, song, tour tham quan và thưởng thức nghệ thuật này không diễn ra như kỳ vọng và đã chìm vào quên lãng. Các đơn vị nghệ thuật khác như: Nhà hát Cải lương Hà Nội, Nhà hát chèo Hà Nội… đều tổ chức các chương trình dành cho khách du lịch để các đơn vị lữ hành đưa vào khai thác, tuy nhiên, các hoạt động này không để lại dấu ấn rõ nét. Một số chương trình đã phải dừng lại sau một thời gian triển khai.

Việc gắn kết sân khấu, âm nhạc với du lịch là xu thế phát triển tất yếu tại nhiều quốc gia, nhất là sân khấu truyền thống và âm nhạc. Thành công của Nhà hát Múa rối Thăng Long vẫn là một điển hình cho xu thế này. Một số không gian biểu diễn nghệ thuật hát xẩm, ca trù… tại Hà Nội vẫn thu hút khán giả. Đây là bài học kinh nghiệm để “đánh thức” các nhà hát. Khẳng định vai trò quan trọng của du lịch âm nhạc trong công nghiệp văn hóa, trong các giải pháp thúc đẩy du lịch âm nhạc, PGS, TS Bùi Hoài Sơn, Ủy viên chuyên trách Ủy ban Văn hóa, Giáo dục của Quốc hội cũng nhấn mạnh một số giải pháp, trong đó có kết hợp du lịch âm nhạc với du lịch văn hóa, ẩm thực... để tạo ra các tour du lịch phong phú, phát triển sản phẩm du lịch mang dấu ấn âm nhạc, như tour tham quan nhà hát nổi tiếng, bảo tàng nghệ thuật, làng nghề làm nhạc cụ truyền thống...

Thực tế cũng cho thấy, không phải cứ chương trình hay là có thể hút khách, thí dụ như tour tham quan kết hợp thưởng thức âm nhạc tại Nhà hát Lớn. Phân tích về việc chưa thành công của một số chương trình, Chủ tịch Câu lạc bộ UNESCO Lữ hành Hà Nội Trương Quốc Hùng cho rằng, từ khâu xây dựng kịch bản cho đến vận hành, phía các nhà hát thường đưa ra “một món ăn”, nhưng đối tượng khách thì thuộc nhiều nhóm khác nhau, khách trong nước, nước ngoài. Bản thân khách nước ngoài lại đến từ nhiều khu vực, nhu cầu khác nhau. Điều này làm khó cho chính các doanh nghiệp lữ hành khi nhiều nhóm khách không phù hợp “khẩu vị”.

Từ thực tế đó, ông Hùng nhận định: “Bây giờ chúng ta phải kết hợp giữa các bên nghiên cứu kỹ càng khách mong muốn gì, nhu cầu thế nào. Quan trọng nhất không phải trình độ diễn viên. Trình độ diễn viên rất tốt, vấn đề là kịch bản và một cách vận hành hấp dẫn, phù hợp, với các sản phẩm cho các đối tượng”.

Đối với hạ tầng, hiện thế giới đã bước vào thời đại công nghệ, khán giả cũng ưa chuộng các ứng dụng công nghệ trong biểu diễn. Nghệ sĩ Tấn Minh, Giám đốc Nhà hát Ca múa nhạc Thăng Long, chia sẻ: “Hạ tầng của các nhà hát cần được đầu tư. Nghệ thuật biểu diễn cần phải được kết hợp cùng công nghệ-khoa học để trở nên đa dạng hơn, phong phú hơn và hấp dẫn hơn. Thí dụ như áp dụng công nghệ số, điện tử, sử dụng ánh sáng, âm thanh, hình ảnh và hiệu ứng đặc biệt, tạo ra trải nghiệm thị giác và âm thanh độc đáo sẽ góp phần kéo khán giả đến với nghệ thuật”.

Một số chuyên gia chia sẻ thêm, bản thân các đơn vị sở hữu các thiết chế văn hóa trong cùng một không gian như hồ Hoàn Kiếm và vùng phụ cận cần “ngồi lại” để phối hợp, tạo nên những sản phẩm có tính liên kết, liên thông thay vì hoạt động riêng lẻ như hiện nay.

GIANG NAM