Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển

Trong phần thứ hai của bài viết "Tự hào và tin tưởng dưới lá cờ vẻ vang của Ðảng, quyết tâm xây dựng một nước Việt Nam ngày càng giàu mạnh, văn minh, văn hiến và anh hùng" kỷ niệm 94 năm Ngày thành lập Ðảng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhấn mạnh: Ðảng ta luôn xác định: Con người giữ vị trí trung tâm trong chiến lược phát triển; phát triển văn hóa, xây dựng con người vừa là mục tiêu, vừa là động lực của công cuộc đổi mới.
Theo phân tích của Báo cáo của UNDP, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao. (Ảnh minh họa)
Theo phân tích của Báo cáo của UNDP, Việt Nam thuộc nhóm phát triển con người cao. (Ảnh minh họa)

Nhìn từ lịch sử lãnh đạo của Ðảng, nhìn những thành tựu đã đạt được sau thời gian dài nỗ lực phấn đấu thấy rõ rằng, nhân tố có ý nghĩa quyết định tạo nên mọi thắng lợi của cách mạng là con người. Con người được đặt ở vị trí trung tâm trong mỗi bước phát triển của Việt Nam. Trong giai đoạn đấu tranh giành lại độc lập dân tộc, vấn đề giải phóng dân tộc, giải phóng xã hội và giải phóng con người đã được Ðảng Cộng sản Việt Nam gắn kết chặt chẽ với nhau trong đường lối của mình. Ðộc lập dân tộc được gắn với tự do, hạnh phúc của nhân dân. Giải phóng dân tộc được gắn với giải phóng xã hội và giải phóng con người.

Sau gần 40 năm đổi mới, mức sống của các tầng lớp dân cư được cải thiện rõ rệt; công cuộc xóa đói, giảm nghèo thu được kết quả tích cực. Khả năng tiếp cận và thụ hưởng các dịch vụ xã hội cơ bản của người dân đã ngày càng cải thiện.

Tuổi thọ trung bình của người dân tăng từ 62 tuổi (năm 1990) lên 73,7 tuổi (năm 2023). Chỉ số phát triển con người (HDI) tăng nhanh trong những năm gần đây và Việt Nam đã thuộc nhóm cao của thế giới. Chỉ số hạnh phúc của Việt Nam năm 2023 được các tổ chức quốc tế xếp thứ 65/137 quốc gia được xếp hạng.

Các quyền về kinh tế, văn hóa, xã hội của người dân Việt Nam ngày càng được bảo đảm tốt hơn. An sinh xã hội được chăm lo, chất lượng cuộc sống được nâng dần từng bước. Cùng với đó là hàng chục chương trình lớn và các chính sách đầu tư chăm lo cho con người: Phát triển hạ tầng, tạo thêm nhiều việc làm, hỗ trợ những hộ nghèo, hộ đồng bào các dân tộc thiểu số phát triển sản xuất, kinh doanh; tổ chức các hoạt động cộng đồng với tinh thần tương thân, tương ái, từ thiện khắc phục thiên tai, dịch bệnh, đền ơn đáp nghĩa…

Tỷ lệ hộ nghèo trung bình mỗi năm giảm đều khoảng 1,5%-giảm từ 58% theo chuẩn cũ năm 1993 xuống chỉ còn 2,93% theo chuẩn nghèo đa chiều (tiêu chí cao hơn trước) năm 2023. Những tiến bộ đó đều đã được ghi nhận.

Trong quá trình đẩy mạnh sự nghiệp công nghiệp hóa đất nước đi vào chiều sâu, bất cập lớn nhất là vấn đề nguồn nhân lực, nhất là nguồn nhân lực chất lượng cao.

Ðại hội XIII của Ðảng chỉ rõ những điều đó và yêu cầu: "Tiếp tục đẩy mạnh phát triển nguồn nhân lực, nhất là nhân lực chất lượng cao, trọng tâm là hiện đại hóa giáo dục, nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng yêu cầu phát triển trong bối cảnh cuộc Cách mạng công nghiệp lần thứ tư và hội nhập quốc tế sâu rộng".

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng chỉ rõ những phẩm chất cần đạt đến trong tương lai của con người Việt Nam trong bài phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc ngày 24/11/2021: "xây dựng con người Việt Nam thời kỳ đổi mới, phát triển, hội nhập với những giá trị chuẩn mực phù hợp, gắn với giữ gìn, phát huy giá trị gia đình Việt Nam, hệ giá trị văn hóa, giá trị của quốc gia-dân tộc; kết hợp nhuần nhuyễn những giá trị truyền thống với giá trị thời đại: Yêu nước, đoàn kết, tự cường, nghĩa tình, trung thực, trách nhiệm, kỷ cương, sáng tạo". Với định hướng đó, chúng ta tiếp tục quyết tâm thực hiện những nhiệm vụ xây dựng hoàn thiện con người Việt Nam trong thời đại mới.

Ðể xây dựng con người Việt Nam phát triển toàn diện, là những chủ thể văn hóa có bản lĩnh, sáng tạo, cần có quan điểm nhìn nhận theo hướng tích hợp giá trị khi định hướng đào tạo, giáo dục.

Các giá trị này phải hướng các hoạt động văn hóa, giáo dục, khoa học vào việc xây dựng con người Việt Nam phát triển đầy đủ về thể chất và tinh thần - có đạo đức, trí tuệ, sức khỏe, có tinh thần nhân văn và ý thức lao động, đề cao trách nhiệm của mỗi người đối với bản thân, gia đình và xã hội.

Ở tầm vĩ mô, cần thực hiện tốt hơn các chính sách xã hội, bảo đảm an sinh và phúc lợi xã hội, phúc lợi văn hóa, an ninh văn hóa, an ninh con người, thực hiện tiến bộ và công bằng xã hội; nâng cao chất lượng cuộc sống và hạnh phúc của nhân dân.