KHƠI DẬY SỨC MẠNH VĂN HÓA

Cơ hội khẳng định vị thế quốc gia

“Văn hóa phải soi đường cho quốc dân đi” là quan điểm cơ bản, xuyên suốt và nhất quán trong tư tưởng Hồ Chí Minh về vai trò của văn hóa trong sự nghiệp cách mạng và phát triển đất nước. Quan điểm này tiếp tục được Đảng ta quán triệt và phát triển qua các giai đoạn, đặc biệt là từ Đại hội XIII (2021).

Bản sắc văn hóa đã được Việt Nam đưa vào sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật để tiếp đón bạn bè quốc tế. Ảnh: HOÀNG HOA
Bản sắc văn hóa đã được Việt Nam đưa vào sáng tạo và biểu diễn nghệ thuật để tiếp đón bạn bè quốc tế. Ảnh: HOÀNG HOA

Nhìn từ châu Âu: Thống nhất trong đa dạng

Văn hóa nằm ở trung tâm của dự án hội nhập châu Âu, là một phần thiết yếu trong sự phát triển của Liên minh châu Âu (EU). Ngày nay, các chính trị gia EU đã nhận ra rằng, văn hóa không phải là thứ xa xỉ hay trang trí cho đời sống của một xã hội thịnh vượng, mà là một nhân tố thiết yếu, gắn bó mật thiết với chính trị, kinh tế và an ninh (Miquel Iceta I Llorens, Culture and its capital role, Big Issues).

Hiện nay, chính trong thời đại của các cuộc khủng hoảng và những biến động khó lường, EU càng đề cao vai trò của văn hóa. Như chính trị gia Tây Ban Nha Miquel Iceta khẳng định, trong thời đại bất định cần có chính sách văn hóa can đảm để đối mặt với những thách thức của tương lai. Chính phủ Tây Ban Nha đã thể hiện một cam kết chính trị rõ ràng đối với nghệ sĩ và những người làm trong lĩnh vực văn hóa bằng việc xây dựng Quy chế Nghệ sĩ, cải thiện điều kiện lao động và thu nhập cho các nghệ sĩ; đầu tư cho thế hệ tương lai qua chương trình Bono Cultural Joven, trao quyền tiếp cận văn hóa cho thanh thiếu niên như một cách thức hiệu quả để tạo ra những công dân có tư duy phản biện, tự do, sáng tạo và gắn bó với văn hóa dân tộc (¿QUÉ ES EL BONOCULTURAL JOVEN?, https://bonoculturajoven.gob.es/).

Ở cấp độ thế giới, tại Hội nghị UNESCO năm 2022, 150 quốc gia, dưới ảnh hưởng từ sáng kiến của EU, đã đồng thuận đưa văn hóa trở thành một mục tiêu phát triển bền vững sau 2030 (SDG Post-2030). Đây là lần đầu tiên trong lịch sử, văn hóa không chỉ được xác lập là một quyền công dân (quyền văn hóa của công dân) mà còn là “lợi ích công cộng toàn cầu” mà tất cả các chính phủ đều có trách nhiệm bảo vệ, truyền bá và phát triển.

132.jpg

Văn hóa: Ngọn nguồn sáng tạo

Nghị quyết số 03-NQ/TW ngày 16/7/1998 của Ban Chấp hành Trung ương tại Hội nghị Trung ương 5 (khóa VIII) về xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, khẳng định: Văn hóa Việt Nam là kết tinh của hàng nghìn năm phát triển và đấu tranh kiên cường dựng nước và giữ nước của cộng đồng các dân tộc Việt Nam, đồng thời tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại để không ngừng hoàn thiện. Văn hóa đã hun đúc nên tâm hồn, bản lĩnh và khí phách Việt Nam, góp phần làm rạng rỡ lịch sử dân tộc. Hội nhập là cơ hội để chúng ta tiếp thu những thành quả trí tuệ của nhân loại, nhưng cũng đặt ra những thách thức trong việc giữ gìn bản sắc văn hóa dân tộc thống nhất trong đa dạng...

Đại hội XIII của Đảng tiếp tục khẳng định: văn hóa là sức mạnh nội sinh, là động lực phát triển đất nước và bảo vệ Tổ quốc. Văn hóa không chỉ là di sản, mà còn là nền tảng để phát triển con người, xây dựng quốc gia và nâng cao vị thế Việt Nam trên trường quốc tế. Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 khẳng định, xây dựng và phát triển văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, nhân văn, dân chủ và khoa học, thống nhất trong đa dạng của cộng đồng các dân tộc là sự nghiệp của toàn dân do Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý, Nhân dân là chủ thể sáng tạo, đội ngũ trí thức, văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa giữ vai trò nòng cốt.

Nghị quyết 138/NQ-CP về Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến 2050, tiếp tục nhấn mạnh yêu cầu giữ gìn bản sắc văn hóa, phát huy những giá trị truyền thống tốt đẹp của dân tộc, xây dựng môi trường sống hài hòa với thiên nhiên, phát triển kinh tế theo hướng tuần hoàn, xanh, ít phát thải.

Việc quảng bá văn hóa Việt không nên chỉ là “trình diễn truyền thống”, mà còn gắn với những câu chuyện hiện đại, sáng tạo và gần gũi với thế giới, trong đó không thể thiếu sự đóng góp của văn nghệ sĩ và những người làm công tác văn hóa.

Văn hóa không chỉ là nền tảng tinh thần, mà còn là ngọn nguồn của sáng tạo, là chất keo gắn kết cộng đồng, là điểm tựa vững chắc để đất nước vươn lên mạnh mẽ trong hành trình phát triển và hội nhập. Xây dựng văn hóa là sự nghiệp chung của cả dân tộc Việt Nam, đòi hỏi sự đầu tư bài bản, dài hạn và có tầm nhìn chiến lược. Việt Nam hiện là điểm đến của nhiều nền văn hóa, và đồng thời cũng là quốc gia có tiềm năng xuất khẩu giá trị văn hóa thông qua âm nhạc, điện ảnh, thời trang, thiết kế, ẩm thực…

Bên cạnh đó, việc lựa chọn các thành phố tiêu biểu của Việt Nam để trở thành trung tâm văn hóa quốc gia trong một năm là một ý tưởng đáng nghiên cứu và thử nghiệm. Mô hình này có thể góp phần phát huy những nét, giá trị văn hóa đặc sắc của từng địa phương, kết nối sâu hơn với dòng chảy văn hóa quốc gia, tạo nên những liên kết bền vững giữa trung ương và địa phương. Đồng thời, đây cũng có thể là điểm tựa để nâng cao vị thế văn hóa của Việt Nam trong ASEAN thông qua giao lưu nghệ thuật, hợp tác sáng tạo, quảng bá di sản, và rộng hơn, là một công cụ quyền lực mềm hiệu quả để kết nối Việt Nam với cộng đồng văn hóa quốc tế trên nền tảng tôn trọng sự đa dạng và bản sắc.

KHÁNH HÀ