Chuyên gia châu Á nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước

Theo các chuyên gia châu Á, những điều tốt đẹp mà Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng để lại cho Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì, theo đuổi và làm tốt hơn nữa.
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)
Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trao Huân chương Hữu nghị tặng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

“Tôi vô cùng đau buồn trước sự ra đi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Đảng Cộng sản và Nhân dân Trung Quốc đã mất đi một người bạn tốt, một người đồng chí tốt, một người anh em tốt.

Đảng và nhân dân Việt Nam mất đi một nhà lãnh đạo kiệt xuất. Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mất đi là một tổn thất to lớn cho sự nghiệp cải cách, mở cửa của Việt Nam".

Đó là chia sẻ của Giáo sư Mễ Lương, Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu Đông Nam Á, Viện trưởng Viện Luật của Đại học Ngoại ngữ Bắc Kinh trong cuộc trò chuyện với phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Bắc Kinh.

Giáo sư Mễ Lương cho biết, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng không chỉ là nhà lãnh đạo kiệt xuất của Đảng, đất nước Việt Nam mà còn là nhà lãnh đạo được nhân dân Trung Quốc vô cùng yêu mến.

Trong hơn 10 năm giữ chức Tổng Bí thư, ông đã có nhiều đóng góp quan trọng trong công cuộc xây dựng Đảng Cộng sản Việt Nam; đồng thời đạt được thành tích xuất sắc trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, đề cao liêm chính, nâng cao uy tín và củng cố sự lãnh đạo của Đảng.

Ngoài ra, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng cũng có những đóng góp rất lớn cho sự nghiệp đổi mới của Việt Nam. Ông từng giữ chức Tổng Bí thư hơn 10 năm, chức Chủ tịch Quốc hội, Chủ tịch nước, tích cực thúc đẩy Việt Nam hội nhập toàn cầu hóa và thúc đẩy hợp tác giữa Việt Nam với các nước trên thế giới.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư, công cuộc xây dựng kinh tế Việt Nam đã có những bước tiến vượt bậc. Tốc độ tăng trưởng kinh tế của Việt Nam được xếp vào top đầu trên thế giới trong hơn 10 năm liên tiếp. Mức sống của người dân Việt Nam được cải thiện rất nhiều, chỉ số hạnh phúc cũng thuộc hàng tốt nhất thế giới.

Chuyên gia châu Á nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước ảnh 1

Chiều 20/7/2024, tại Đại sứ quán Việt Nam ở Bắc Kinh, Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình đến viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. (Ảnh: TTXVN)

Giáo sư Mễ Lương cho rằng, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã có những đóng góp rất lớn vào sự phát triển quan hệ giữa hai Đảng, hai nước Trung Quốc-Việt Nam.

Dưới sự lãnh đạo của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, quan hệ kinh tế và thương mại Trung Quốc-Việt Nam đã phát triển nhanh chóng; Việt Nam trở thành đối tác thương mại lớn nhất của Trung Quốc trong ASEAN. Trao đổi chính trị, kinh tế, văn hóa giữa hai nước cũng được tăng cường.

Nhắc lại kỷ niệm khi được gặp Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nhân dịp Tổng Bí thư thăm Trung Quốc vào tháng 1/2017, Giáo sư Mễ Lương cho biết cảm nhận Tổng Bí thư là một vị lãnh đạo độ lượng, nhân hậu, được nhiều người kính trọng. Giáo sư Mễ Lương chia sẻ, dù bảy năm đã trôi qua nhưng từng chi tiết của cuộc gặp gỡ đó vẫn còn in sâu trong ký ức của ông.

*Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Seoul, ông Kwon Seong Taek, Phó Chủ tịch Hiệp hội Kinh tế, Văn hóa Hàn-Việt (KOVECA) đánh giá cao những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đối với chiến lược đối ngoại, duy trì phát triển văn hóa, duy trì khối đại đoàn kết dân tộc, xây dựng và phát triển con người Việt Nam.

Theo Phó Chủ tịch KOVECA, Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng xuất thân từ lĩnh vực khoa học nhân văn, ngành văn học, rồi từng làm nhà báo. Thực sự điều này rất hiếm trong các nhà lãnh đạo trên thế giới.

Ông Kwon Seong Taek nhận định dường như vì có nền tảng nhân văn nên các đường lối, chiến lược do ông chủ trương đều lấy xương sống là văn hóa. Điều đặc biệt nữa là chính sách văn hóa của Việt Nam luôn bảo tồn, duy trì các giá trị truyền thống nhưng lại không có thiện kiến, rất mở để tiếp nhận và giao thoa với thế giới.

Cùng với phát triển kinh tế, chính sách phát triển văn hóa luôn đi song hành. Vì thế nên cũng tương tự như văn hóa Hàn Quốc, ông Kwon Seong Taek tin rằng đã đến lúc văn hóa Việt Nam sẽ gây được ảnh hưởng ra thế giới.

Ông Kwon Seong Taek cũng đề cao vai trò của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Hàn Quốc. Đặc biệt kể từ khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng bắt đầu nhiệm kỳ năm 2011 cũng là giai đoạn quan hệ hai nước phát triển mạnh mẽ và được nâng cấp lên Đối tác Chiến lược Toàn diện năm 2022.

Hợp tác kinh tế, luôn là trọng yếu trong quan hệ hai nước, đã liên tục phát triển, cùng với hợp tác văn hóa, giáo dục, giao lưu con người và nhiều lĩnh vực khác cũng được đẩy mạnh.

Ông Kwon Seong Taek cho rằng để có được mối quan hệ Hàn-Việt đạt đến mức cao nhất và tốt đẹp như ngày hôm nay phải có vai trò nổi bật của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Đề cập đến “chính sách ngoại giao cây tre” mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng chủ trương, ông khẳng định những đường hướng của thuyết ngoại giao này đã được phản ánh trong chính sách ngoại giao của Việt Nam đối với Hàn Quốc.

Chuyên gia châu Á nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước ảnh 2

Đại diện sứ quán Lào viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Đại sứ quán Việt Nam ở Nhật Bản. (Ảnh: TTXVN)

* Trả lời phỏng vấn của phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Tokyo, Hiệu trưởng Đại học Việt Nhật, Giáo sư Furuta Motoo cũng ca ngợi sự cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong công cuộc xây dựng và phát triển đất nước.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng đã khẳng định “Đất nước ta chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay", khẳng định này có sức thuyết phục cao không những chỉ trong nước Việt Nam mà còn trên trường quốc tế.

Theo Giáo sư Furuta Motoo, giữ chức Tổng Bí thư suốt thời gian 13 năm, cống hiến của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng rất to lớn để cho Việt Nam giành được vị thế như ngày nay. Đại hội Đảng XIII cũng nêu mục tiêu “Phấn đấu để đến giữa thế kỷ 21, Việt Nam trở thành nước phát triển”.

Muốn trở thành nước phát triển thì nhất thiết phải có bộ máy nhà nước trong sạch và được dân tin cậy. Cuộc vận động phòng chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng phát động là sự nghiệp không thể thiếu được khi Việt Nam đặt mục tiêu này.

Với khẩu hiệu “muốn làm bạn với tất cả các nước trên thế giới”, Việt Nam chỉ trong một thời gian ngắn đã cải thiện quan hệ quốc tế của mình, sau đó với đường lối ngoại giao “kết hợp sức mạnh dân tộc và sức mạnh thời đại”, “chủ động hội nhập quốc tế và giữ gìn bản sắc dân tộc”, Việt Nam đã và đang phát triển như một quốc gia được cộng đồng quốc tế tín nhiệm cao, có thái độ ứng xử linh hoạt nhưng kiên định trước các tình huống quốc tế phức tạp.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng gọi đường lối đối ngoại vừa mềm dẻo vừa nhất quán là “ngoại giao cây tre”. “Ngoại giao cây tre” Việt Nam đã và đang cống hiến to lớn vào việc nâng cao vị thế Việt Nam ngày càng cao trên trường quốc tế.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từng có chuyến thăm chính thức Nhật Bản vào tháng 9/2015. Đánh giá về những đóng góp của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng trong phát triển quan hệ giữa Việt Nam với Nhật Bản, Giáo sư Furuta Motoo cho rằng trong thời gian Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng lãnh đạo, mối quan hệ giữa hai nước ngày càng phát triển, nâng cấp thành Đối tác Chiến lược Toàn diện.

Chuyên gia châu Á nêu bật dấu ấn của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với đất nước ảnh 4

Đoàn Hàn Quốc do Thủ tướng Hàn Quốc Han Duck Soo, đặc phái viên của Tổng thống Hàn Quốc làm Trưởng đoàn, viếng Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng sáng 25/7/2024. (Ảnh: TTXVN)

* Tại Indonesia, trả lời phóng viên Thông tấn xã Việt Nam tại Jakarta, nhà báo, chuyên gia cao cấp của Tạp chí nghiên cứu Kompas, ông Irwan Santosa cho biết nếu tìm kiếm trên google với từ khóa “Nguyễn Phú Trọng,” thì ở phần hình ảnh, sẽ thấy có rất nhiều các bức ảnh chụp Tổng Bí thư với người dân Việt Nam, những con người bình thường ở nhiều tầng lớp xã hội, những người dân thường.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là vị lãnh đạo gần gũi với nhân dân và thành công của Việt Nam đến từ nhà lãnh đạo luôn đặt mục đích “phục vụ nhân dân lên hàng đầu”.

Ông Irwan Santosa khẳng định: Chiến dịch chống tham nhũng mà Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng khởi xướng, rất nghiêm khắc và hiệu quả. Rất nhiều quan chức cấp cao đã bị kỷ luật, kể cả ủy viên Bộ Chính trị. Điều này chưa từng xảy ra trước đây ở Việt Nam sau thời kỳ Đổi mới.

Bản thân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng là một hình mẫu về sự trong sạch và chống tham nhũng là cách quản lý đất nước hiệu quả để không lãng phí tiền của người dân và để người dân luôn tin tưởng vào Đảng và Nhà nước. Đây là một trong những điểm mấu chốt để tạo sự đồng lòng trong phát triển đất nước.

Nhà báo Indonesia cho rằng chính sách ngoại giao mang bản sắc cây tre của Việt Nam rất linh hoạt để thích ứng với tình hình địa chính trị.

Cây tre không bao giờ bật gốc vì nó cắm rễ sâu vào đất, đó là đường lối đối ngoại bắt nguồn từ lợi ích của người dân Việt Nam.

Vì vậy, thay vì lãnh đạo Việt Nam tìm cách tranh thủ sự ủng hộ của các nước lớn, thì các nước lớn lại đến Việt Nam để nhận được sự ủng hộ, đó chính là cái giỏi của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Ông Irwan Santosa cho rằng mỗi nhà lãnh đạo đều có những con đường và phong cách riêng, nhưng di sản của Tổng Bí Thư Nguyễn Phú Trọng sẽ còn tồn tại và hy vọng những điều tốt đẹp mà ông để lại cho Việt Nam sẽ tiếp tục được duy trì, theo đuổi và làm tốt hơn nữa.

Nguồn TTXVN