Ông Lê Quốc Vinh, Chủ tịch Hội đồng quản trị, kiêm Tổng Giám đốc Tập đoàn Truyền thông Lê, chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần về những giải pháp thúc đẩy sự phát triển của yếu tố quan trọng nhưng lại đang là điểm nghẽn này.
Nghịch lý và bất cập
- Thưa ông, nghệ thuật biểu diễn tại Việt Nam đang được coi là một trong những yếu tố cốt lõi của công nghiệp văn hóa. Vậy nhưng, sự phát triển của hệ thống hạ tầng, từ địa điểm biểu diễn đến các yếu tố kỹ thuật chưa theo kịp sự phát triển, nhất là trong thời gian gần đây. Ông có nhận định gì về vấn đề này?
- Trước đây, chúng ta xây dựng nhà hát thường chỉ tính toán phục vụ cho một vài bộ môn, loại hình nghệ thuật. Như nhà hát chèo, tuồng, cải lương chỉ có công năng phục vụ riêng từng loại hình. Tư duy đó đã ảnh hưởng nhiều đến xu hướng phát triển, vấn đề hội nhập, tương tác của các bộ môn nghệ thuật. Điều này dẫn đến nghịch lý: Nhiều chương trình nghệ thuật giàu sáng tạo, kết hợp nhiều loại hình khác nhau nhưng do cơ sở vật chất của nhà hát chưa đáp ứng đầy đủ, nên chất lượng không được như mong muốn. Ngay như Nhà hát Lớn Hà Nội, vốn là một di sản kiến trúc thời Pháp thuộc, cũng không thể đáp ứng yêu cầu đổi mới liên tục của các chương trình hiện đại, nhất là các đại nhạc hội.
Tại Hà Nội, Trung tâm Hội nghị Quốc gia có sân khấu trong nhà, với sức chứa hơn 3.000 người, nhưng sân khấu lại nông, chỉ phục vụ được một vài loại hình nghệ thuật. Bởi thế, muốn tổ chức các đại nhạc hội, chương trình nghệ thuật lớn, đơn vị tổ chức phải tìm không gian ngoài trời, thí dụ sân vận động, quảng trường. Những nơi đó có lợi thế không gian rộng, có sức chứa lớn, tuy nhiên, các không gian này không thiết kế sân khấu cho nghệ thuật biểu diễn nên gặp rất nhiều thách thức về kỹ thuật, đặc biệt là âm thanh, ánh sáng. Những rủi ro như mưa lớn khiến chương trình phải dừng giữa chừng là điều không thể tránh khỏi. Thêm nữa, với mỗi chương trình tổ chức ngoài trời, đơn vị tổ chức phải lắp đặt nhiều trang thiết bị, dựng sân khấu nên rất tốn kém.
- Ở các thành phố lớn, thời gian gần đây đã quan tâm xây dựng một số cơ sở biểu diễn nghệ thuật hiện đại, nhưng ít sáng đèn, trong khi không ít đơn vị phải đi thuê sân khấu để biểu diễn. Chúng ta có nên hình dung về các tổ hợp không gian văn hóa-nghệ thuật với đa dạng hình thức trải nghiệm cho công chúng, phục vụ phát triển công nghiệp văn hóa?
- Để thu hút khán giả đến với các chương trình nghệ thuật, đòi hỏi sự sáng tạo không ngừng của các đơn vị tổ chức và nghệ sĩ biểu diễn. Nếu địa điểm biểu diễn chất lượng mà ít sáng đèn là do thiếu các chương trình hấp dẫn. Để khắc phục tình trạng này, các thiết chế phục vụ biểu diễn trong tương lai cần được thiết kế theo hướng đa năng, linh hoạt. Một nhà hát hiện đại không chỉ phục vụ một vài loại hình nghệ thuật, mà cần có khả năng tổ chức nhiều sự kiện, chương trình, từ biểu diễn âm nhạc, sân khấu kịch, trình diễn thời trang cho tới triển lãm nghệ thuật, ra mắt sách… Ngoài ra, cần có hệ thống kỹ thuật tiên tiến, không gian có thể linh hoạt thu hẹp hoặc mở rộng theo lượng khán giả, từ vài trăm đến vài nghìn người.
Ở tầm xa hơn, Việt Nam nên phát triển các khu tổ hợp văn hóa, sân khấu biểu diễn là một phần trong hệ sinh thái đô thị, bao gồm bảo tàng, khu triển lãm, nhà hàng, cà-phê, dịch vụ giải trí... Để khi đến đó, công chúng không chỉ xem biểu diễn mà có thể trải nghiệm, dự phần vào nhiều sự kiện khác nữa. Điều này cũng sẽ tạo nên sức sống cho các không gian biểu diễn, ngay cả khi không có chương trình lớn diễn ra.
- Và nếu như vậy, thì sự thiếu hụt nhân lực để vận hành hiệu quả các cơ sở đa dạng đó (cần tư duy và kỹ năng quản trị cùng sự am hiểu sâu sắc về nghệ thuật) cũng lại là vấn đề không nhỏ. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Các đơn vị tư nhân rất sáng tạo trong xây dựng chương trình nghệ thuật biểu diễn, họ sở hữu con người có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn cao, nhưng không đủ năng lực để xây dựng các khu phức hợp, nhà hát. Đa số nhà hát là do nhà nước đầu tư, nhưng việc vận hành lại không bảo đảm. Vì vậy, cần xây dựng cơ chế hợp tác công tư một cách rõ ràng và hiệu quả hơn. Nhà nước cần có những chiến lược đầu tư xây dựng hạ tầng, có chương trình phối hợp các đơn vị tư nhân trong đào tạo nhân lực và giao họ đảm nhận phần khai thác, vận hành.
Chúng ta dễ dàng nhận thấy, khi một sự kiện văn hóa lớn được tổ chức, như đại nhạc hội hay chương trình nghệ thuật có sự tham gia của nghệ sĩ quốc tế, lượng khách đến khu vực tổ chức nghệ thuật tăng vọt, kéo theo các dịch vụ đi kèm cũng phát triển, thậm chí giá trị bất động sản tăng theo. Điều này chứng minh rằng đầu tư vào văn hóa là góp phần vào sự phát triển của mỗi đô thị và quốc gia. Tôi hy vọng, Dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, khi đi vào thực tế, sẽ tháo gỡ vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất cho các chương trình hợp tác công-tư.

Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo
- Bên cạnh sự thiếu vắng các địa điểm đáp ứng yêu cầu của các chương trình nghệ thuật chuyên nghiệp quy mô lớn, những địa điểm biểu diễn chất lượng, đáp ứng yêu cầu cho các phân khúc phổ thông cũng đang gặp cảnh hết sức khó khăn, nhất là đối với các đơn vị nghệ thuật tư nhân. Theo ông, nên có chính sách gì để giải quyết khoảng trống này, và hỗ trợ các đơn vị nghệ thuật tư nhân tiếp tục phát triển, cống hiến cho công chúng?
- Trong quá trình phát triển lĩnh vực văn hóa-nghệ thuật, các đơn vị tư nhân đóng vai trò ngày càng rõ nét, nhất là trong lĩnh vực sáng tạo nội dung và tổ chức chương trình. Tuy nhiên, có một vướng mắc rất lớn hiện nay là một số đơn vị tư nhân không có nhà hát riêng, nên mỗi khi tổ chức chương trình phải đi thuê địa điểm. Điều này khiến các đơn vị tư nhân khó có được tính chủ động, đặc biệt với những kế hoạch dài hạn.
Vì thế, Nhà nước cần đóng vai trò kiến tạo, đặc biệt là tạo ra các thiết chế văn hóa như nhà hát, rạp biểu diễn như một phần cốt lõi trong quy hoạch đô thị, thu hút đông đảo doanh nghiệp đầu tư vào thiết chế biểu diễn nghệ thuật. Thật ra, một số tập đoàn bất động sản lớn đã có tư duy đầu tư xây dựng sân khấu nhằm tạo sức hút cho các khu đô thị, song để phát triển hơn, vẫn cần cơ chế khuyến khích doanh nghiệp mạnh dạn đầu tư cho công nghiệp văn hóa như một phần không thể tách rời trong chiến lược phát triển của họ. Khi có nhiều sân khấu đạt chuẩn, tôi nghĩ các đơn vị nghệ thuật tư nhân sẽ có điều kiện thuê với giá phải chăng và tiếp tục phát triển.
Ở các quốc gia như Nhật Bản, Hàn Quốc… doanh nghiệp bất động sản hay công nghệ đầu tư vào công nghiệp văn hóa không chỉ vì trách nhiệm xã hội, mà họ thấy rõ lợi ích của nghệ thuật, là giúp tăng giá trị bất động sản, thúc đẩy tiêu dùng… Nhiều doanh nghiệp xây dựng những nhà hát và mời nghệ sĩ quốc tế đến biểu diễn độc quyền, coi đó là một phần trong chiến lược kinh doanh của mình.
Vấn đề nữa, cơ quan chức năng phải tạo điều kiện để hình thành thị trường văn hóa đúng nghĩa, nơi có người sản xuất, người bán, người mua, có cạnh tranh, bảo hộ. Muốn thế, cần hoàn thiện cơ chế bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ một cách chủ động và hiệu quả, đặc biệt với các sản phẩm có tính sáng tạo cao. Ở ta, luật không thiếu nhưng cơ chế thực thi rất yếu. Tôi xin nhấn mạnh, khi có dấu hiệu vi phạm, người bị tố cáo phải có nghĩa vụ chứng minh quyền tác giả của mình, đừng bắt tác giả (người sáng tạo) thật phải chứng minh mình sáng tạo ra tác phẩm/sản phẩm đó. Điều này khiến người sáng tạo vừa mất thời gian, vừa mất niềm tin vào hệ thống pháp lý.
- Về mặt chính sách, theo ông, cần những điều chỉnh như thế nào để hỗ trợ hiệu quả cho sự phát triển của công nghiệp văn hóa nói chung, và thiết chế, hạ tầng cho nghệ thuật biểu diễn nói riêng?
- Trước hết, phải đổi mới tư duy kiểm duyệt theo hướng hỗ trợ sáng tạo thay vì kiểm soát hình thức. Hiện nay tư duy kiểm duyệt chương trình biểu diễn nghệ thuật vẫn còn nặng tính an toàn, ngại rủi ro, khiến các tác phẩm nghệ thuật mang tính thể nghiệm, đổi mới thường khó được chấp nhận.
Thứ hai, cần quan tâm đến đào tạo nguồn nhân lực kế cận trong lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn. Hiện nay, các đoàn nghệ thuật, dù công lập hay tư nhân hiện đang đối mặt nhiều khó khăn, đó là thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Rất nhiều chương trình nghệ thuật chỉ xuất hiện những nghệ sĩ quen thuộc, dẫn đến tình trạng trùng lặp, thiếu sự đa dạng và thiếu sức hút công chúng.
Thứ ba, cần một chiến lược dài hạn giúp các nhà hát do nhà nước quản lý có thể trở thành trung tâm kết nối sáng tạo nghệ thuật, chứ không đơn thuần chỉ phục vụ các chương trình nội bộ. Nếu có một cơ chế linh hoạt, mở cửa nhà hát công lập cho tư nhân vào thuê biểu diễn theo khung thời gian hợp lý, giá cả phải chăng thì chắc chắn sẽ tạo nên một đời sống nghệ thuật sôi động.
Cuối cùng, chính sách khuyến khích hợp tác công-tư trong xây dựng thiết chế văn hóa nghệ thuật biểu diễn cần được đẩy mạnh, chuyên nghiệp, hiệu quả.
- Xin trân trọng cảm ơn ông!