
Theo phóng viên TTXVN tại Algiers, dựa trên văn kiện này, hai bên đồng ý ngừng mọi hình thức tấn công, kích động bạo lực và thay đổi hiện trạng bằng vũ lực. Tuyên bố đề ra các biện pháp xây dựng lòng tin như trao đổi tù nhân, phục hồi sự hiện diện của chính phủ trên toàn lãnh thổ, bao gồm các khu vực hiện do M23 kiểm soát. Hai bên đặt mục tiêu hoàn tất thỏa thuận hòa bình trước ngày 18/8.
Tuy nhiên, việc rút quân khỏi các thành phố đang gây tranh cãi. Trong khi người phát ngôn chính phủ CHDC Congo Patrick Muyaya nhấn mạnh việc rút quân của M23 khỏi các vùng chiếm đóng là “không thể thương lượng”, lãnh đạo M23 Bertrand Bisimwa lại tuyên bố điều quan trọng là "trao quyền cho nhà nước", chứ không phải là rút quân. Người phát ngôn M23 Lawrence Kanyuka khẳng định lực lượng này sẽ không rời Goma – thành phố then chốt ở Bắc Kivu.
M23 là nhóm vũ trang lớn nhất trong số hơn 100 lực lượng nổi dậy tại miền Đông Congo - khu vực giàu khoáng sản nhưng bất ổn kéo dài. Theo Liên hợp quốc, xung đột tại đây đã khiến hơn 7 triệu người phải di dời, tạo ra một trong những cuộc khủng hoảng nhân đạo nghiêm trọng nhất thế giới.
Thỏa thuận tại Doha này đã được Liên hợp quốc, Liên minh châu Phi (AU) và Rwanda hoan nghênh như một bước tiến đáng kể trong nỗ lực chấm dứt xung đột kéo dài tại khu vực. Chủ tịch AU Mahmoud Ali Youssouf tuyên bố: “Đây là một cột mốc lớn trong các nỗ lực đang diễn ra nhằm đạt được hòa bình, an ninh và ổn định lâu dài tại miền Đông CHDC Congo và Vùng Hồ Lớn”.