Cải cách giáo dục đòi hỏi thể chế quản lý tương thích

Nền giáo dục Việt Nam đang chủ động chuyển mình theo hướng mở: Mở rộng tiếp cận tri thức qua các nền tảng số, mở chương trình đào tạo theo hướng liên ngành, liên thông và mở rộng không gian học thuật ra khỏi khuôn khổ truyền thống để hội nhập quốc tế.

Nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)
Nghiên cứu sinh nghiên cứu khoa học trong phòng thí nghiệm tại Đại học Bách khoa Hà Nội. (Ảnh: NGUYỄN ĐĂNG)

Tuy nhiên, nghịch lý nằm ở chỗ: Trong khi tư duy giáo dục đang hướng đến sự cởi mở, thì thể chế vận hành lại mang tính đóng - từ mô hình quản lý tập trung, kiểm soát đầu vào cứng nhắc, cho đến cơ chế phê duyệt chương trình nặng về hành chính, ít linh hoạt và thiếu sự tin tưởng vào chủ thể giáo dục. Chính sự không đồng bộ này tạo ra độ vênh giữa tầm nhìn chiến lược và khả năng hiện thực hóa trong thực tiễn.

Vì vậy, để giáo dục mở thật sự trở thành hiện thực, điều tiên quyết là phải cải cách thể chế quản lý giáo dục theo hướng minh bạch hơn, linh hoạt hơn, trao quyền nhiều hơn cho các chủ thể sáng tạo, đồng thời thiết lập cơ chế giám sát - phản biện hiệu quả thay cho can thiệp hành chính cứng nhắc.

Xu thế tất yếu của thời đại

Trong một thế giới đang vận hành theo logic của tri thức số, nền kinh tế tri thức và nhu cầu học tập suốt đời, mô hình giáo dục truyền thống - đóng khung trong 4 bức tường lớp học, cố định về thời gian, không gian và chương trình - đang bộc lộ những bất cập.

Thay vào đó, “giáo dục mở” nổi lên như một xu thế tất yếu, một mô hình mang tính đột phá giúp tri thức trở nên phổ quát hơn, linh hoạt hơn và dễ tiếp cận hơn đối với mọi công dân trong xã hội học tập.

Giáo dục mở, theo nghĩa hiện đại, không chỉ là việc mở rộng đối tượng học tập, mà còn là một tư tưởng giáo dục - nơi người học là trung tâm, có quyền lựa chọn nội dung, phương thức và tốc độ học theo nhu cầu cá nhân.

Giáo dục mở đồng thời cũng gắn liền với khái niệm “học tập suốt đời” - nơi việc học không kết thúc sau khi tốt nghiệp, mà kéo dài trong suốt cuộc đời như một nhu cầu thường trực của con người trong xã hội biến đổi nhanh.

Tại Việt Nam, trong Chiến lược phát triển giáo dục giai đoạn 2021- 2030, tầm nhìn đến năm 2045, Chính phủ đã xác định rõ mục tiêu: “Phát triển hệ thống giáo dục mở, học tập suốt đời, bảo đảm công bằng và chất lượng, từng bước chuyển sang mô hình giáo dục linh hoạt, hiện đại, số hóa và hội nhập quốc tế”.

cotro.jpg
Giờ học của cô và trò Trường mầm non Vĩnh Hưng (Hà Nội). (Ảnh: ĐĂNG KHOA)

Văn kiện Đại hội XIII của Đảng cũng nhấn mạnh: “Xây dựng xã hội học tập, phát triển hệ thống giáo dục mở, thực học, thực nghiệp, học tập suốt đời, công bằng và hiệu quả”.

Đây là những chỉ dấu cho thấy giáo dục mở không còn là một lựa chọn mang tính lý tưởng, mà đã trở thành định hướng chiến lược của quốc gia.

Thực tế cũng chứng minh rằng đại dịch Covid-19 đã trở thành cú huých thúc đẩy nhanh quá trình chuyển đổi sang giáo dục mở tại Việt Nam. Nhiều trường đại học như Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh, Đại học Bách khoa Hà Nội, Đại học FPT... đã xây dựng hoặc nâng cấp hệ thống quản trị học tập (LMS), đồng thời phát triển hàng trăm khóa học nội bộ dưới dạng MOOC để mở rộng tiếp cận tri thức cho sinh viên không chỉ trong trường mà còn liên kết cho phép sinh viên trường khác học liên ngành, liên cơ sở.

Cũng trong giai đoạn này, Bộ Giáo dục và Đào tạo đã thí điểm cho phép sử dụng các tín chỉ học trực tuyến trong xét công nhận kết quả học tập, mở ra tiền đề cho giáo dục linh hoạt hơn trong giai đoạn hậu Covid-19.

Điều cốt lõi, do đó, không nằm ở công nghệ hay giải pháp kỹ thuật, mà chính là yêu cầu chuyển đổi về tư duy và thể chế - từ kiểm soát sang trao quyền, từ cách tiếp cận cố định sang linh hoạt và cá nhân hóa.

Đây chính là chìa khóa để giáo dục Việt Nam không chỉ “ứng phó” với thách thức, mà thật sự “chuyển mình” trong bối cảnh mới.

Rào cản cho giáo dục

Dù mục tiêu phát triển hệ thống giáo dục mở đã được xác lập rõ trong các văn kiện chiến lược và chính sách quốc gia, thực tiễn cho thấy việc hiện thực hóa mô hình này đang gặp phải những rào cản lớn - mà nguyên nhân sâu xa chính là tư duy và thể chế cũ vẫn đang chi phối hoạt động quản lý giáo dục.

Những biểu hiện của tư duy này không chỉ nằm ở cấp chính sách, mà còn ăn sâu trong cách thức tổ chức, vận hành các cơ sở giáo dục từ trung ương đến địa phương.

Chẳng hạn, quản lý giáo dục ở Việt Nam vẫn nặng về tính hành chính-mệnh lệnh, thể hiện ở sự can thiệp chi tiết từ cơ quan quản lý vào nhiều mặt hoạt động của nhà trường.

Thay vì đóng vai trò là “nhà kiến tạo” - xây dựng khung pháp lý và môi trường thuận lợi cho các trường tự chủ đổi mới, cơ quan quản lý vẫn vận hành như một “nhà chỉ huy” - ban hành mệnh lệnh, áp đặt quy trình, giám sát bằng hồ sơ hành chính. Điều này khiến các trường đại học, nhất là trường công lập, khó phát huy tinh thần tự chủ và sáng tạo.

Dù Luật Giáo dục đại học sửa đổi năm 2018 đã mở rộng quyền tự chủ cho các cơ sở giáo dục, nhưng trên thực tế, quyền tự chủ này vẫn bị giới hạn bởi các ràng buộc chặt chẽ về tài chính, nhân sự và chuyên môn.

Nhiều trường đại học phản ánh rằng, họ vẫn phải xin phê duyệt từng đề án tuyển sinh, xin phép mở ngành mới hoặc bị ràng buộc bởi quy định ngặt nghèo về chức danh giảng viên, giờ giảng chuẩn, học phí trần… Điều này khiến cho việc thiết kế chương trình đào tạo linh hoạt - yếu tố cốt lõi của giáo dục mở - trở nên khó khăn, đặc biệt trong bối cảnh nhu cầu nhân lực biến động nhanh và liên tục như hiện nay.

Cơ chế thẩm định, công nhận chương trình, văn bằng và tín chỉ cũng còn mang tính cứng nhắc, thiếu linh hoạt. Việc công nhận các tín chỉ tích lũy từ nền tảng trực tuyến quốc tế (MOOC), hay công nhận bằng cấp, chứng chỉ phi truyền thống như micro-credentials gần như chưa có hành lang pháp lý cụ thể.

nc3.jpg
Giờ thực hành của sinh viên Khoa Điện-Cơ điện tử, Đại học Phương Đông. (Ảnh: THẾ ĐẠI)

Điều này khiến nhiều sáng kiến đào tạo linh hoạt bị từ chối, hoặc không được công nhận chính thức, gây khó khăn cho người học trong quá trình chuyển tiếp học thuật hoặc tìm kiếm việc làm…

Hệ quả là giáo dục Việt Nam tuy có khẩu hiệu “mở”, nhưng cách vận hành vẫn “đóng”. Các chương trình đào tạo khó đổi mới nhanh, sinh viên thiếu cơ hội tiếp cận các mô hình học tập tiên tiến, còn doanh nghiệp thì phàn nàn về việc sinh viên ra trường chậm thích nghi với yêu cầu công việc.

Việt Nam vì vậy chậm bắt nhịp với xu hướng toàn cầu về cá nhân hóa học tập, phát triển kỹ năng số, và học tập liên tục trong suốt cuộc đời.

Cải cách thể chế quản lý giáo dục - điều kiện tiên quyết

Thể chế quản lý giáo dục hiện nay - với những đặc điểm hành chính hóa, thiếu linh hoạt và chưa trao quyền thực chất - đang là rào cản lớn nhất trên hành trình xây dựng một nền giáo dục mở.

Để tháo gỡ những điểm nghẽn này, không chỉ cần thay đổi một vài quy trình kỹ thuật, mà đòi hỏi phải cải cách toàn diện tư duy thể chế - từ kiểm soát sang hỗ trợ, từ đồng nhất sang đa dạng, từ đóng khung sang cởi mở. Đây là điều kiện tiên quyết nếu Việt Nam muốn thật sự bước vào kỷ nguyên giáo dục mở và xã hội học tập.

Đặc biệt, trong bối cảnh chuyển đổi số, toàn cầu hóa và sự biến động không ngừng của thị trường lao động, cải cách thể chế giáo dục theo hướng “mở” không còn là một lựa chọn, mà đã trở thành điều kiện tiên quyết để hệ thống giáo dục Việt Nam thật sự đổi mới, thích ứng và phát triển bền vững.

Cải cách đầu tiên cần được ưu tiên là thiết lập khung pháp lý linh hoạt, thích ứng với sự phát triển của mô hình giáo dục mở. Việc ban hành các văn bản pháp luật chuyên biệt - hoặc sửa đổi Luật Giáo dục, Luật Giáo dục đại học theo hướng công nhận các mô hình học tập phi truyền thống, chuẩn hóa học liệu mở (OER), và thiết lập tiêu chuẩn đánh giá linh hoạt - là điều cấp thiết.

Cải cách thể chế giáo dục phải song hành với đổi mới mô hình quản trị theo hướng hiện đại, minh bạch, và số hóa toàn diện. Điều này đòi hỏi các cơ quan quản lý từ trung ương đến địa phương phải chuyển từ mô hình “chỉ huy - kiểm soát” sang mô hình “hỗ trợ - kiến tạo” và dẫn dắt bằng dữ liệu.

dsc-6554.jpg
Thủ tướng Phạm Minh Chính tham quan trưng bày thành tựu của Đại học Phenikaa hôm 22/7. (Ảnh: TRẦN HẢI)

Một nền giáo dục mở đòi hỏi sự chuyển dịch quyền lực học thuật về phía người học và các cơ sở giáo dục. Với người học, điều đó đồng nghĩa với việc được lựa chọn môn học theo nhu cầu, được tích lũy tín chỉ linh hoạt từ nhiều nguồn (bao gồm cả học tập không chính quy và phi chính quy), và được công nhận thành tựu học tập suốt đời. Với các trường học, đặc biệt là đại học và cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cần được trao thực quyền trong việc xây dựng chương trình đào tạo, hợp tác quốc tế, ký kết liên kết học thuật - không phải xin phép từng chi tiết nhỏ mà chỉ cần tuân thủ các khung tiêu chuẩn bảo đảm chất lượng chung.

Nếu không thay đổi mối quan hệ Nhà nước-nhà trường-người học theo hướng phân quyền và đối tác, giáo dục mở sẽ tiếp tục bị “đóng khung” bởi các quy định hành chính và sự bất bình đẳng trong quyền học tập.

Đặc biệt, giáo dục mở sẽ không thể vận hành hiệu quả nếu chính sách tài chính vẫn dựa trên nguyên tắc “bình quân cào bằng” như hiện nay.

Cần có những thiết kế tài chính mới, hỗ trợ người học linh hoạt theo nhu cầu và năng lực cá nhân, thông qua các mô hình như học bổng mở, hỗ trợ học phí theo tín chỉ, tín dụng giáo dục theo thời gian học linh hoạt, hay thậm chí là chính sách “người học hoàn trả theo thu nhập sau tốt nghiệp”.

Đồng thời, nên khuyến khích các mô hình đối tác công-tư (PPP) trong phát triển nền tảng giáo dục mở, đầu tư học liệu số, hoặc hợp tác doanh nghiệp-nhà trường trong đào tạo theo yêu cầu thực tiễn.

Thế giới đã bước vào thời đại của tri thức mở, công nghệ mở và học tập mở, thì hệ thống giáo dục - nếu không “mở” cả về tư duy lẫn thể chế - sẽ tụt lại phía sau, kéo theo sự lãng phí tiềm năng con người và cản trở phát triển quốc gia.

Đã đến lúc cần chuyển mạnh từ tư duy kiểm soát sang trao quyền, từ quy định cứng nhắc sang linh hoạt thích ứng, từ chỉ huy hành chính sang hỗ trợ kiến tạo.

Giáo dục không thể chỉ được “mở” bằng công nghệ hay khẩu hiệu; nó phải được mở bằng những cải cách thực chất trong cách xây dựng chính sách, vận hành bộ máy, phân bổ nguồn lực và thiết lập cơ chế trách nhiệm.

Thông điệp hành động ở đây là: cải cách thể chế không chỉ là việc riêng của ngành giáo dục, mà là nhiệm vụ mang tính liên ngành, liên thể chế và liên hệ trực tiếp tới năng lực cạnh tranh quốc gia trong kỷ nguyên số.

Việc xây dựng một nền giáo dục mở cần sự đồng thuận và vào cuộc của toàn xã hội: từ cơ quan lập pháp, cơ quan hành pháp, các trường đại học, doanh nghiệp đến người học - tất cả đều phải thay đổi để thích ứng. Mở tư duy, mở chính sách - đó là cách duy nhất để chúng ta mở được tương lai.

TRẦN THANH VÂN