Các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng có nội dung mang tính tổng kết sâu sắc

NDO - Qua nghiên cứu những bài viết của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, học giả Uch Leang, Phó Vụ trưởng Vụ Nghiên cứu Á-Phi và Trung Đông, Học viện Quan hệ quốc tế thuộc Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia khẳng định, các tác phẩm của nhà lãnh đạo Việt Nam mang tính tổng kết chân thực, ngắn gọn và đáng suy ngẫm .
Nhà nghiên cứu Uch Leang. (Ảnh: NVCC)
Nhà nghiên cứu Uch Leang. (Ảnh: NVCC)

Trao đổi với phóng viên Báo Nhân Dân, ông Uch Leang cho biết, những bài viết trong các tác phẩm: Một số vấn đề lý luận và thực tiễn về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam; Xây dựng và phát triển nền đối ngoại, ngoại giao Việt Nam toàn diện, hiện đại, mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam” của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng mang tính cô đọng, sâu sắc, thể hiện tầm nhìn bao quát toàn diện trên mọi phương diện: chính trị, đối ngoại, an ninh-quốc phòng, kinh tế, văn hóa; là một quá trình chắt lọc, đúc kết từ kinh nghiệm thực tiễn với cách tiếp cận chân thực và khoa học.

“Điều tôi đánh giá cao là những bài viết đó thể hiện tâm huyết của một nhà lãnh đạo, lý giải vì sao Việt Nam lựa chọn phát triển con đường chủ nghĩa xã hội. Việt Nam đã đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện hơn so với những năm trước Đổi mới. Đúng như lời Tổng Bí thư, đất nước Việt Nam chưa bao giờ có được cơ đồ, tiềm lực, vị thế và uy tín quốc tế như ngày nay”.

Học giả Uch Leang nhấn mạnh, qua gần bốn thập kỷ tiến hành công cuộc đổi mới, thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên chủ nghĩa xã hội, lý luận về đường lối đổi mới, về chủ nghĩa xã hội và con đường đi lên chủ nghĩa xã hội ở Việt Nam ngày càng được hoàn thiện và từng bước được hiện thực hóa.

Thành tựu Việt Nam đạt được, ngoài sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, sự đồng lòng, chung sức của toàn thể người dân Việt Nam, nhân tố nội tại cùng nhiều nhân tố khác cũng cần nói đến những đóng góp to lớn của ngành ngoại giao Việt Nam và sự hỗ trợ, ủng hộ của cộng đồng quốc tế.

“Việt Nam đã từng bước hội nhập sâu rộng, toàn diện với khu vực và thế giới, trở thành thành viên của nhiều tổ chức khu vực và quốc tế như Liên hợp quốc (1977), ASEAN (1995), Ủy viên Không thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2020-2021, Ủy viên Không thường trực Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc nhiệm kỳ 2023-2025, tham gia tích cực vào các cơ chế đa phương, ký kết nhiều hiệp ước, hiệp định quan trọng với các nước”.

Về đường lối đối ngoại mang đậm bản sắc “cây tre Việt Nam”, học giả Viện Hàn lâm Hoàng gia Campuchia cho rằng, hợp tác toàn diện, bình đẳng, cùng có lợi với tất cả các nước đã góp phần to lớn vào những thành tựu phát triển của Việt Nam.

Theo ông, những thành tựu lớn lao đó của đất nước Việt Nam dựa trên đường lối ngoại giao độc đáo của thời đại Hồ Chí Minh, mang đậm bản sắc dân tộc “cây tre Việt Nam”, “gốc vững, thân chắc, cành uyển chuyển”, thấm đượm tâm hồn, cốt cách và khí phách của dân tộc Việt Nam.

“Qua nghiên cứu các tác phẩm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, có thể khẳng định, Việt Nam kiên định con đường đi lên chủ nghĩa xã hội và tiếp tục đạt nhiều thành công là mang lại lợi ích to lớn cho đất nước mình cũng như các quốc gia trong khu vực, trong đó có Campuchia là nước láng giềng gần gũi”.

Từ đất nước Chùa tháp, học giả Uch Leang chân thành chúc nhân dân Việt Nam tiếp tục đạt những thành tựu mới, sớm hiện thực hóa Tầm nhìn trở thành nước phát triển đi theo chủ nghĩa xã hội vào năm 2045 như Nghị quyết của Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng Cộng sản Việt Nam đã đề ra.

NGUYỄN HIỆP - SƠN XINH