Với sự hội nhập ngày càng sâu rộng cùng tốc độ phát triển của công nghệ, làn sóng văn hóa ngoại nhập đang tạo nên những tác động ngày càng lớn tới đời sống tinh thần và cả trong sự định hình những giá trị văn hóa, giá trị sống của nhiều thế hệ người Việt, nhất là người trẻ. Sau những lo ngại, băn khoăn, ứng phó, việc xác định tư duy chủ động trong tiếp biến văn hóa cho thấy rõ nét vai trò của văn hóa trong phát triển đã được nâng lên một tầm mức mới, một trụ cột quan trọng của phát triển và hội nhập. Với tư duy chủ động, dựa trên nền tảng vững chắc của các giá trị bản sắc văn hóa cốt lõi đã được tích tụ, bồi đắp qua lịch sử thăng trầm của dân tộc, việc nhận diện, chọn lọc và tiếp nhận các giá trị tinh hoa của văn hóa nhân loại sẽ được hình thành thông qua những phương thức được nghiên cứu, chuẩn bị kỹ lưỡng, với “bộ công cụ” là chiến lược có tầm nhìn dài hạn, sự đầu tư xứng đáng về nguồn lực tài chính, chất xám và cơ chế linh hoạt, phù hợp. Trong đó, sự hình thành cơ chế có khả năng thu hút sự tham gia tích cực của cộng đồng sáng tạo, người dân và doanh nghiệp, từ bài học thành công của một số quốc gia trong khu vực và trên thế giới, đã cho thấy vai trò cốt lõi quyết định hiệu quả của chiến lược.
Một hệ sinh thái văn hóa số mạnh khỏe, linh hoạt và sáng tạo, để chuyển tải, quảng bá các giá trị văn hóa mang đậm bản sắc Việt, cùng đó, tiếp nhận và chọn lọc, Việt hóa những giá trị văn hóa đặc sắc của thế giới, có lẽ là bước đi ý nghĩa, hướng phát triển cần được đặc biệt quan tâm, trong bối cảnh toàn cầu hóa hiện nay. Điều đó đòi hỏi sự vào cuộc tích cực, chủ động và sáng tạo, linh hoạt của nhiều thành phần, từ những sáng tạo về công nghệ, nghệ thuật, sự hỗ trợ kịp thời cho những nỗ lực định hình và lan tỏa các giá trị văn hóa cùng khả năng phản biện và chọn lọc. Số hóa các giá trị văn hóa truyền thống cũng như tạo được kết nối giữa những người nắm giữ các tinh hoa lưu truyền lại với người trẻ và thế giới cũng là điều cần được quan tâm đúng tầm mức.