BRICS và vị thế phương Nam

Khép lại sau hai ngày làm việc, Hội nghị Thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế mới nổi hàng đầu thế giới (BRICS) tại Rio de Janeiro, Brazil, là sự kiện đánh dấu bước ngoặt trong việc mở rộng và củng cố vai trò của khối, qua đó gia tăng vị thế chung cho không chỉ các thành viên.

Một sự gắn kết đầy tiềm lực.
Một sự gắn kết đầy tiềm lực.

Dưới chủ đề “Tăng cường hợp tác phương Nam nhằm thúc đẩy quản trị bao trùm và bền vững hơn”, chương trình nghị sự Hội nghị cấp cao BRICS năm nay có ba nội dung chính: Hòa bình, an ninh và cải cách quản trị toàn cầu; Tăng cường chủ nghĩa đa phương, các vấn đề kinh tế-tài chính và trí tuệ nhân tạo; Môi trường, Hội nghị lần thứ 30 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 30) và sức khỏe toàn cầu.

Ngay trước giờ chính thức khai mạc, các bộ trưởng tài chính của BRICS đã lần đầu đạt đồng thuận về lập trường thống nhất chung trong vấn đề cải cách Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), tập trung vào việc điều chỉnh hạn ngạch xác định mức đóng góp và quyền biểu quyết của mỗi thành viên.

Những vấn đề này, thực tế, vốn là các cấu trúc không thể động chạm, trong một trật tự mà các nước phát triển phương Tây nắm quyền điều phối.

Như Reuters bình luận: Với việc kêu gọi cải cách các thể chế phương Tây truyền thống, BRICS 2025 đã “thể hiện cam kết của khối về việc trở thành ngọn cờ tiên phong của chủ nghĩa đa phương, trong một thế giới ngày càng chia rẽ”.

Điều này được thể hiện rất rõ ở tuyên bố chung của Hội nghị, trong đó thể hiện sự đồng thuận về nhu cầu cải tổ hệ thống quản trị toàn cầu, thúc đẩy chủ nghĩa đa phương, xử lý các “điểm nóng” xung đột. BRICS cũng thống nhất đẩy mạnh hợp tác thám hiểm không gian vì mục đích hòa bình, ủng hộ hệ thống thương mại đa phương, phản đối các hàng rào thuế quan đơn phương, thúc đẩy sử dụng đồng nội tệ trong giao dịch thương mại và kết nối hệ thống thanh toán nhằm giảm chi phí.

Đặc biệt, Hội nghị đã thông qua tuyên bố chung về trí tuệ nhân tạo (AI) và tài chính khí hậu, nhấn mạnh sự tiếp cận công bằng, hợp lý với các công nghệ mới cũng như các giải pháp khí hậu. BRICS cũng xây dựng lộ trình huy động nguồn lực cho cuộc chiến chống biến đổi khí hậu và định hình quan điểm chung của các nước Nam bán cầu về AI, với trọng tâm là việc làm, quyền tiếp cận dữ liệu và chủ quyền số.

Ngoài ra, BRICS còn khởi động sáng kiến hợp tác xóa bỏ các bệnh nhiệt đới và bệnh liên quan đến điều kiện xã hội, tập trung vào nguyên nhân sâu xa như đói nghèo, bất bình đẳng. Một sáng kiến quan trọng khác là phục hồi đất bị thoái hóa, thúc đẩy đầu tư cho sản xuất lương thực, nhiên liệu sinh học và tái tạo các hệ sinh thái bản địa.

Bên cạnh việc kêu gọi cải tổ IMF, Hội nghị đồng thời kêu gọi khẩn cấp khôi phục khả năng của Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) và thúc đẩy một hiệp ước quốc tế về hợp tác thuế trong khuôn khổ Liên hợp quốc. Tuyên bố chung cũng ủng hộ kế hoạch thí điểm cơ chế bảo lãnh do Ngân hàng Phát triển mới (NDB) bảo trợ, nhằm giảm chi phí tài chính và thúc đẩy đầu tư vào các quốc gia thành viên.

Những mục tiêu đầy tham vọng này, có thể nói, không chỉ hướng đến nâng tầm hợp tác quốc tế mà còn khẳng định vị thế của một tổ chức hợp tác có quy mô chiếm gần 50% dân số thế giới, hơn 1/3 diện tích toàn cầu và khoảng 1/4 tỷ trọng thương mại thế giới. Nói cách khác, đó là sự tự tin của một vị thế chiến lược đang ngày càng được củng cố và tăng cường.

Dĩ nhiên, những kết cấu cũ, quy chuẩn cũ, trật tự cũ… không thể bị thay đổi trong ngày một ngày hai. Song, dù sao, khi hướng đến một chương trình nghị sự và hành động gồm các vấn đề giàu tính thực tế, thậm chí là những lĩnh vực mà các thành viên “không thể bất đồng quan điểm”, chẳng hạn như y tế, khí hậu và đói nghèo - những nỗi ám ảnh thường trực đối với các cộng đồng dễ bị tổn thương, BRICS 2025 đã thể hiện được một sự gắn kết đầy tiềm lực, để hướng đến tương lai.

Võ Hoàng