CHUYÊN ĐỀ: “KÉO” NGƯỜI TRẺ LẠI GẦN MÔN VĂN

“Bí quyết” từ những điểm 9 Văn tốt nghiệp

Kỳ thi tốt nghiệp THPT vừa rồi, lớp 12A10 do cô Quỳnh dạy Ngữ văn có 44 học sinh thì điểm Văn có tới 25 em đạt điểm từ 9 đến 9,75; 16 em đạt điểm từ 8 đến 8,75 và còn lại 3 điểm 7,75.

Cô Quỳnh và các học sinh của mình.
Cô Quỳnh và các học sinh của mình.

Kết quả nổi bật này đến từ “vị thuyền trưởng” luôn khéo léo chèo lái con đò và sốc tinh thần cho các em cùng một cách tiếp cận mới mẻ và đầy sáng tạo của cô.

Dạy Văn là công việc khá thử thách trong bối cảnh học sinh ngày càng bị cuốn vào thói quen… “học vẹt”. Tuy nhiên, niềm vui của cô giáo Ngô Thúy Quỳnh, giáo viên môn Ngữ văn tại Trường THPT Đồng Quan (Phú Xuyên, Hà Nội) chính là thấy các em học sinh chủ động, say mê học tập và yêu thích môn học này. “Khi nhìn thấy các em đạt được kết quả tốt, tôi cảm thấy hạnh phúc như người trồng cây đang hưởng trái ngọt sau bao tháng ngày chăm sóc”, cô chia sẻ.

Cô đặc biệt chú trọng việc làm nổi bật giá trị thẩm mỹ, giáo dục và tính thời sự trong mỗi tác phẩm văn học. Theo chia sẻ, những bài giảng của cô có sự kết nối với những vấn đề xã hội, gắn kết bài học với những câu chuyện đời thường. Thí dụ, cô đã kể cho học sinh về một người đã tình nguyện nuôi dưỡng một đứa trẻ bị bỏ rơi hay những hành động nhỏ nhưng đầy nhân văn của bà bán rau là minh chứng cho bài học sống động, giúp học sinh dễ dàng cảm nhận được giá trị của môn Văn trong thực tiễn.

Cô Quỳnh cũng nhấn mạnh rằng, việc phát triển tư duy văn học không chỉ dừng lại ở việc giảng dạy kiến thức trong sách vở, mà cần phải giúp học sinh phát triển nhân cách, đạo đức và sống có trách nhiệm trong xã hội. Đó là lý do mà cô thường xuyên chia sẻ những câu chuyện đời thực, từ những hành động đẹp của con người, giúp học sinh hình dung được tác dụng của việc học Văn trong việc rèn luyện nhân cách.

Điều đặc biệt trong phương pháp giảng dạy của cô là khả năng khơi dậy cảm xúc, giúp học sinh hiểu viết Văn không chỉ là công việc máy móc mà là một quá trình kết nối cảm xúc. “Văn học là tiếng nói của trái tim, là cảm xúc của con người. Không có máy móc nào, dù có hiện đại đến đâu, có thể thay thế được điều đó”, cô Quỳnh chia sẻ. Mỗi khóa học sinh đón vào, cô luôn truyền giảng đạo đức và tình yêu văn chương trước, nhờ đó mà có những cô bé yêu Văn, sẵn sàng thức khuya để viết bài và luyện chữ. Đây là minh chứng cho việc dạy học có thể tạo nên sự đam mê thật sự, là động lực để cô tiếp tục nỗ lực trong nghề dạy học.

Dù vậy, cô Quỳnh cũng không phủ nhận rằng, tình yêu đối với môn Văn đang dần giảm sút trong một thế giới quá chú trọng vào công nghệ. Các em học sinh hiện nay có xu hướng tìm kiếm kiến thức nhanh chóng qua các công cụ trực tuyến, thay vì tự nghiên cứu, suy ngẫm và sáng tạo. Điều này khiến môn Văn đôi khi bị coi là một môn học “khó nhằn”, không thực tiễn. Tuy nhiên, cô vẫn kiên trì, không chỉ truyền tải kiến thức mà còn cố gắng giúp học sinh nhận ra rằng Văn học là một phần không thể thiếu trong việc hình thành nhân cách và phát triển tư duy.

Chia sẻ với chúng tôi, cô Quỳnh tin rằng chỉ cần có đủ nhiệt huyết, sáng tạo và sự gần gũi với học sinh, môn Văn sẽ vẫn giữ được vị trí quan trọng trong giáo dục và đời sống của học sinh. Với cô, niềm vui lớn nhất là khi thấy học trò không chỉ giỏi về kiến thức mà còn trở thành những người có đạo đức và tình yêu văn chương chân chính.

MỸ GIANG