Bắt đầu từ cách doanh nghiệp khai lương

Dù được xem là điểm tựa khi người lao động mất việc, nhưng mức hưởng bảo hiểm thất nghiệp hiện nay đang được cho là quá thấp. Người lao động dù muốn cải thiện mức hưởng cũng “lực bất tòng tâm” vì họ không có quyền tự quyết mức đóng, phải phụ thuộc vào doanh nghiệp.

Người lao động không có quyền quyết định mức đóng của mình, khoản đóng BHXH hoàn toàn phụ thuộc mức lương được ghi trong hợp đồng lao động. Ảnh: HẢI NAM
Người lao động không có quyền quyết định mức đóng của mình, khoản đóng BHXH hoàn toàn phụ thuộc mức lương được ghi trong hợp đồng lao động. Ảnh: HẢI NAM

Ngày 29/5, chị Vũ Thị Vân (Ngọc Thụy, Long Biên, Hà Nội) nhận trợ cấp thất nghiệp tháng đầu tiên sau khi đăng ký qua Cổng Dịch vụ công quốc gia. Tuy nhiên, mức trợ cấp 3,3 triệu đồng/tháng khiến chị không khỏi thất vọng, bởi nó thấp hơn sàn lương bảo đảm cuộc sống lao động không rơi vào tình trạng đói nghèo, áp dụng ở vùng I là 4,96 triệu đồng/tháng. Đây cũng là tình cảnh nhiều lao động gặp phải trong “làn sóng” cắt giảm nhân sự hiện nay.

Trợ cấp thất nghiệp thấp hơn mức sống tối thiểu

Theo thống kê trên toàn quốc, trong giai đoạn 2022-2023, mức lương bình quân làm căn cứ đóng vào Quỹ bảo hiểm thất nghiệp là khoảng 5,56 triệu đồng/tháng. Với mức này, người lao động khi mất việc chỉ nhận được trợ cấp trung bình khoảng 3,3 triệu đồng/tháng.

Tại TP Hồ Chí Minh, số liệu từ bảo hiểm xã hội (BHXH) thành phố cho thấy, trong giai đoạn từ năm 2020 đến tháng 6/2024, tổng số tiền người lao động nhận được trong suốt thời gian hưởng trợ cấp thất nghiệp (kéo dài từ 3 đến 12 tháng) bình quân gần 28,9 triệu đồng.

Nếu tính thời gian hưởng trợ cấp trung bình là sáu tháng, mức trợ cấp mỗi tháng tương đương khoảng 4,8 triệu đồng. Năm 2020, mức trợ cấp bình quân chỉ đạt 3,5 triệu đồng/tháng, trong khi năm 2024 tăng lên 6,1 triệu đồng/tháng - mức cao nhất trong giai đoạn này.

Theo đánh giá của Trung tâm Dịch vụ việc làm quốc gia, TP Hồ Chí Minh là địa phương có mức trợ cấp thất nghiệp bình quân cao nhất cả nước. Tuy nhiên, so với chi phí sinh hoạt thực tế, mức trợ cấp này còn khá khiêm tốn.

Khảo sát “Lương đủ sống” do tổ chức Anker công bố cho thấy: Để một gia đình tại TP Hồ Chí Minh (thuộc vùng I) duy trì mức sống tối thiểu, cần ít nhất 7,5 triệu đồng/tháng vào năm 2020; con số này tăng lên 8,55 triệu đồng vào năm 2022 và 8,61 triệu đồng vào năm 2023. Như vậy, dù mức trợ cấp thất nghiệp có xu hướng tăng qua từng năm, nhưng vẫn còn cách khá xa so mức sống cơ bản của người lao động.

Liên quan quy định mức hưởng trợ cấp thất nghiệp, bà Hồ Thị Kim Ngân, Phó Trưởng ban Quan hệ lao động (Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam) cho biết, trợ cấp thất nghiệp hằng tháng được tính bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng bảo hiểm thất nghiệp trong sáu tháng liền kề trước khi người lao động mất việc. Mức hưởng này bị giới hạn, không vượt quá 5 lần mức lương cơ sở hoặc mức lương tối thiểu vùng. Thời gian hưởng nhiều nhất là 12 tháng.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy, nhiều doanh nghiệp hiện nay chỉ đóng BHXH dựa trên mức lương tối thiểu vùng, tức mức thấp nhất theo quy định pháp luật - thay vì mức thu nhập thực tế của người lao động. Điều này dẫn đến nghịch lý: dù người lao động có thu nhập thực tế 8-10 triệu đồng/tháng, nhưng nếu doanh nghiệp chỉ khai báo mức lương tối thiểu vùng (khoảng 4,6-5 triệu đồng tùy khu vực), thì khi mất việc, họ chỉ nhận được khoảng 3-4 triệu đồng/tháng tiền trợ cấp.

Đáng nói, người lao động không có quyền quyết định mức đóng của mình. Khoản đóng BHXH hoàn toàn phụ thuộc mức lương được ghi trong hợp đồng lao động - yếu tố mà họ rất khó thương lượng, đặc biệt trong các ngành sử dụng nhiều lao động phổ thông.

Hiện nay, hệ thống Bảo hiểm thất nghiệp chỉ áp dụng cho người lao động có hợp đồng từ một tháng trở lên và mức đóng được xác định theo lương doanh nghiệp khai báo. Điều này khiến những người muốn chủ động đóng ở mức cao hơn để được hưởng trợ cấp tương xứng không có lựa chọn nào khác, buộc phải chấp nhận mức hưởng thấp, dẫn đến khó khăn khi rơi vào cảnh thất nghiệp.

231.jpg
Người lao động tìm hiểu quyền lợi của mình tại các thông tin tuyển dụng. Ảnh: SONG ANH

Đóng bao nhiêu để bảo đảm quyền lợi?

Tại buổi thảo luận về Dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) hồi tháng 5 vừa qua, đại biểu Quốc hội Thạch Phước Bình (đoàn Trà Vinh) cũng đưa ra nhận định, mức trợ cấp thất nghiệp 60% là thấp, khó bảo đảm mức sống tối thiểu của người lao động trong bối cảnh mất hoàn toàn nguồn thu nhập. Nhiều nước trong khu vực áp dụng tỷ lệ này ở mức 65 - 75%.

Trước đó, Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) khuyến nghị, mức trợ cấp thất nghiệp lý tưởng nên ở ngưỡng 65 - 70% để có thể giúp người lao động duy trì cuộc sống tạm ổn định và có điều kiện tìm kiếm việc làm mới. Vì vậy, đại biểu Thạch Phước Bình kiến nghị nâng mức trợ cấp thất nghiệp lên 65% mức bình quân tiền lương tháng, trường hợp khủng hoảng kinh tế thì nâng tỷ lệ này lên 75%.

Đồng quan điểm, đại biểu Quốc hội Nguyễn Tâm Hùng (đoàn Bà Rịa - Vũng Tàu) cho rằng, trong bối cảnh thị trường lao động ngày càng linh hoạt, với nhiều lao động làm việc theo hợp đồng ngắn hạn, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp bằng 60% lương bình quân như quy định trong dự thảo Luật Việc làm (sửa đổi) là chưa phù hợp mặt bằng chi phí sinh hoạt hiện nay.

Ông Hùng đánh giá, thời gian hưởng trợ cấp nhiều nhất 12 tháng là hợp lý. Tuy nhiên, cách tính thời gian hưởng hiện nay, đóng 12 tháng chỉ được nhận ba tháng trợ cấp, sau đó mỗi 12 tháng đóng thêm mới được cộng thêm một tháng, là quá chậm và chưa tương xứng với đóng góp của người lao động, đặc biệt với những người đã tham gia Bảo hiểm thất nghiệp nhiều năm.

Từ đó, đại biểu đề xuất nâng mức trợ cấp lên 70% mức lương bình quân của sáu tháng gần nhất trước khi nghỉ việc, trong phạm vi không vượt quá 5 lần mức lương tối thiểu vùng. Đồng thời, cần cải tiến cách tính thời gian hưởng theo hướng linh hoạt hơn: cứ mỗi sáu tháng đóng BHTN thì được cộng thêm một tháng trợ cấp, thay vì mỗi 12 tháng như hiện nay.

Trước đó, Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam cũng từng kiến nghị nâng mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng lên 75% mức lương bình quân đóng BHTN, nhằm bảo đảm đời sống người lao động khi mất việc làm.

Ở một góc nhìn khác, ông André Gama - Giám đốc Chương trình An sinh xã hội của Tổ chức Lao động quốc tế tại Việt Nam nhận định, tỷ lệ trợ cấp thất nghiệp hiện tại của Việt Nam, ở mức 60% lương đóng bảo hiểm, đã tương đối cao so mặt bằng chung của các nền kinh tế mới nổi và gần tiệm cận các nước thu nhập cao. Tuy nhiên, người lao động vẫn nhận trợ cấp thấp vì phần lớn chỉ đóng bảo hiểm dựa trên một phần thu nhập, không phản ánh đầy đủ mức thu nhập thực tế.

Do đó, thay vì chỉ tập trung nâng tỷ lệ hưởng, điều quan trọng hơn là bảo đảm việc đóng bảo hiểm sát với thu nhập thực tế của người lao động. Khi mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm phản ánh đúng thu nhập thì khoản trợ cấp thất nghiệp sẽ đáp ứng tốt hơn nhu cầu sống. Đồng thời, việc này cũng góp phần nâng cao chất lượng các chế độ an sinh xã hội khác như thai sản hay hưu trí.

Bà Nguyễn Văn Hạnh Thục, Giám đốc Trung tâm Dịch vụ việc làm TP Hồ Chí Minh chia sẻ, mức trợ cấp thất nghiệp mà người lao động nhận được phụ thuộc vào mức đóng bảo hiểm thất nghiệp. Nếu mức đóng thấp thì khoản trợ cấp cũng sẽ thấp tương ứng. Hiện nay, nhiều người lao động chỉ đóng bảo hiểm trên mức lương tiệm cận lương tối thiểu vùng, thay vì toàn bộ thu nhập thực tế của họ, dẫn đến quyền lợi nhận được bị hạn chế.

Bà Thục cho hay, hiện mức trợ cấp cao nhất có thể lên tới 24,8 triệu đồng/tháng. Những lao động tham gia với mức lương cao vẫn nhận được trợ cấp đủ sống. Do đó, để nâng cao mức hỗ trợ thực nhận cho người lao động mất việc, cần ưu tiên giải pháp đóng Bảo hiểm thất nghiệp dựa trên thu nhập thực tế.

Bên cạnh việc hoàn thiện khung pháp lý, điều then chốt là cần nâng cao ý thức tuân thủ pháp luật và trách nhiệm xã hội của doanh nghiệp. Việc kê khai đầy đủ, trung thực mức lương làm căn cứ đóng bảo hiểm không chỉ bảo đảm quyền lợi thiết thân cho người lao động khi mất việc, mà còn góp phần củng cố niềm tin vào hệ thống an sinh xã hội.

Trong bối cảnh nền kinh tế số và thị trường lao động linh hoạt, việc chủ động tham gia bảo hiểm thất nghiệp với mức đóng sát với thu nhập thực tế không chỉ là trách nhiệm pháp lý, mà còn là chiến lược nhân sự dài hạn giúp doanh nghiệp giữ chân người lao động. Nếu doanh nghiệp tiếp tục coi nghĩa vụ đóng bảo hiểm là hình thức đối phó, né tránh, thì mọi nỗ lực cải cách chính sách cũng khó bảo đảm công bằng, bền vững và nhân văn cho thị trường lao động.

THU HUYỀN