Bất công của thời hiện đại

Trong báo cáo mới nhất, Cơ quan Năng lượng quốc tế (IEA) cho hay, hai tỷ người trên khắp thế giới vẫn sử dụng củi, than và các loại nhiên liệu thô sơ để nấu ăn, không chỉ gây ô nhiễm không khí nghiêm trọng, mà còn đe dọa sức khỏe cộng đồng.

Biếm họa: MAHIRAHH
Biếm họa: MAHIRAHH

Tình trạng phổ biến nhất là ở châu Phi, nơi có tới một tỷ người đang sử dụng các hình thức nấu ăn truyền thống.

Phát biểu ý kiến khi công bố báo cáo cuối tuần trước, Giám đốc điều hành IEA Fatih Birol nhấn mạnh: “Đây là một trong những bất công lớn nhất của thời đại chúng ta, đặc biệt là với châu Phi”. Theo báo cáo, tại châu Phi, việc chế biến bữa ăn hằng ngày của người dân vẫn chủ yếu dựa vào đốt gỗ, hoặc những nhiên liệu gây nguy hiểm cho sức khỏe con người và môi trường. Cứ năm gia đình thì bốn hộ vẫn nấu ăn bằng các loại bếp thô sơ sử dụng củi, than, chất thải nông nghiệp, thậm chí là phân chuồng.

IEA nêu rõ, việc sử dụng nhiên liệu nêu trên không chỉ làm tổn hại sức khỏe, mà còn dẫn tới nạn phá rừng và làm gia tăng biến đổi khí hậu. Việc đốt các loại nhiên liệu thô sơ còn tạo ra lượng khí nhà kính mỗi năm tương đương với lượng khí thải của ngành hàng không. IEA ước tính có 815.000 ca tử vong sớm mỗi năm chỉ riêng ở châu Phi do chất lượng không khí trong nhà kém. Phụ nữ và trẻ em là những người phải chịu đựng nhiều nhất, họ phải dành nhiều giờ mỗi ngày để tìm kiếm nhiên liệu. Điều này làm giảm thời gian học tập và lao động tạo thu nhập.

Hội nghị quốc tế về vấn đề nấu ăn an toàn, do IEA tổ chức hồi tháng 5/2024, tại Paris (Pháp), đã huy động được 2,2 tỷ USD tài trợ quốc tế, cũng như các cam kết chính trị từ 12 chính phủ châu Phi. Đến nay 470 triệu USD đã được giải ngân và kết quả cụ thể đạt được là một nhà máy sản xuất bếp được xây dựng ở Malawi, hay chương trình bếp giá rẻ đang triển khai ở Uganda và Code I’voire…

IEA tiếp tục vạch lộ trình giúp các nước châu Phi phổ cập phương pháp nấu ăn an toàn với chi phí thấp trước năm 2040. Theo ông Fatih Birol, với các công nghệ hiện có, chỉ cần đầu tư khoảng hai tỷ USD mỗi năm, chiếm 0,1% tổng đầu tư năng lượng toàn cầu, toàn bộ châu Phi có thể đạt mục tiêu tiếp cận cách thức “nấu ăn sạch” vào năm 2040. Các giải pháp khả thi được xác định như sử dụng điện từ năng lượng mặt trời hay khí đốt hóa lỏng (LPG).

Theo IEA, sáng kiến trên có thể giúp ngăn ngừa 4,7 triệu ca tử vong sớm tại vùng sa mạc Sahara từ nay đến năm 2040, đồng thời giảm 540 triệu tấn khí CO₂ mỗi năm, tương đương lượng phát thải của ngành hàng không toàn cầu.

NINH SƠN