Bão số 3 gây ngập hơn 100 nghìn ha lúa, nhiều tuyến đê sạt lở

Theo báo cáo nhanh cập nhật đến 17 giờ ngày 22/7 của Ban Chỉ đạo quốc gia về phòng, chống thiên tai, bão số 3 hiện đã đi vào đất liền khu vực từ Ninh Bình đến Thanh Hóa, gây mưa lớn, nước lũ dâng cao, ảnh hưởng nghiêm trọng đến nhiều địa phương phía bắc và bắc Trung Bộ.

Miền núi Nghệ An sạt lở, chia cắt cục bộ.
Miền núi Nghệ An sạt lở, chia cắt cục bộ.

Mực nước sông dâng cao, nhiều điểm vượt báo động III

Gió mạnh ghi nhận lúc 16 giờ tại nhiều khu vực: Hòn Dấu (Hải Phòng) cấp 7, giật cấp 10; Bạch Long Vĩ cấp 6, giật cấp 8; Văn Lý (Ninh Bình) cấp 6, giật cấp 10; Như Xuân (Thanh Hóa) cấp 5, giật cấp 8. Dự báo trong 24 giờ tới, bão tiếp tục suy yếu và tan dần.

Mưa lớn đã xảy ra diện rộng từ tối 21/7 đến chiều 22/7: ven biển Thanh Hóa có lượng mưa phổ biến 200mm-350mm, nơi cao nhất tại Sầm Sơn lên tới 374mm; Châu Nga (Nghệ An) ghi nhận 308mm; nhiều nơi khác ở đồng bằng Bắc Bộ mưa từ 50mm-150mm.

Dự báo, từ tối 22/7 đến sáng 23/7, Thanh Hóa và Nghệ An tiếp tục có mưa 50mm-100mm, có nơi trên 200mm; khu vực phía nam tỉnh Phú Thọ và Sơn La có mưa 40mm-80mm, cục bộ trên 120mm.

Do ảnh hưởng kết hợp của mưa và thủy triều, mực nước tại nhiều trạm cửa sông, ven biển từ Hải Phòng đến Ninh Bình vượt báo động III, gồm: sông Hồng tại Ba Lạt, sông Thái Bình tại Đông Xuyên, sông Cấm tại Kinh Thầy, sông Lạch Tray tại Kiến An, sông Văn Úc tại Quang Phục và sông Ninh Cơ tại Trực Phương. Mực nước thượng lưu các sông Mã, sông Cả tiếp tục lên nhanh. Lúc 16 giờ ngày 22/7, sông Chu tại Cửa Đạt ở mức 28,93m, trên báo động I 0,93m; sông Cả tại Mường Xén đạt 142,02m, vượt báo động III.

Hơn 100 nghìn ha lúa bị ngập, nhiều tuyến đê bị sạt lở

Các địa phương đã chủ động sơ tán tổng cộng 12.485 người. Trong đó, di dời tránh bão 11.756 người, gồm: Quảng Ninh 2.052 người, Hải Phòng 4.994 người, Ninh Bình 4.710 người; sơ tán do ngập lụt và sạt lở đất là 729 người tại Thanh Hóa và Nghệ An.

Tính đến 17 giờ ngày 22/7, mưa bão đã làm tốc mái 79 nhà ở tại Nghệ An. Về sản xuất nông nghiệp, tổng diện tích lúa bị ngập lên đến 107.217ha, trong đó Hưng Yên 26.000ha, Ninh Bình 74.017ha, Thanh Hóa 7.200ha. Hiện các địa phương đang vận hành trạm bơm tiêu úng, giảm thiệt hại.

Tại Hà Nội, đoạn đê hữu Cầu qua xã Đa Phúc bị nứt dài 20m, địa phương đã cắm chốt, cấm phương tiện lưu thông.

Tại Thanh Hóa, mái đê tả Cùng (xã Hoằng Châu) bị sạt lở hai đoạn với tổng chiều dài 65m, đang được khẩn trương xử lý.

Tại Ninh Bình, mái đê bối Nam Quần Liêu (xã Nghĩa Sơn) bị sạt 5m, đã được gia cố tạm thời bằng bạt phủ và bao tải đất.

Hiện các địa phương tiếp tục triển khai rà soát, thống kê thiệt hại và ứng phó diễn biến mưa lũ sau bão.

THANH TRÀ