Nhìn lại sau 50 năm Giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, diện mạo Thành phố Hồ Chí Minh đã có những thay đổi ấn tượng, từ một đô thị hậu chiến trở thành đại đô thị hiện đại, dẫn đầu cả nước với những công trình biểu tượng, khu đô thị kiểu mẫu và hệ thống hạ tầng giao thông thông suốt, kết nối với các tỉnh Đông Nam Bộ và Tây Nam Bộ, tạo động lực phát triển kinh tế cho Vùng kinh tế trọng điểm phía nam.

Tháng 12/1996, sau khi chính quyền thành phố thông qua chủ trương, cùng với nguồn vốn rót vào từ nhà đầu tư nước ngoài, Công trình tuyến đường bắc Nhà Bè - nam Bình Chánh (nay là đại lộ Nguyễn Văn Linh) được chính thức khởi công và được khánh thành vào năm 2007, đại lộ Nguyễn Văn Linh dài 18km, được xem là đại lộ đầu tiên và dài nhất thành phố, thi công hoàn thiện đã làm thay đổi diện mạo 3.000ha khu nam Sài Gòn.

Đại lộ Nguyễn Văn Linh thông xe còn là tiền đề hình thành khu công nghiệp Hiệp Phước, cảng Hiệp Phước, góp phần thu hút mạnh mẽ nhà đầu tư vào khu chế xuất Tân Thuận. Cùng với cầu Phú Mỹ vượt sông Sài Gòn được xây dựng và khai thác, tuyến đường trở thành tuyến vành đai chủ lực tạo mạng lưới giao thông liên hoàn từ khu vực nam Sài Gòn đến các tỉnh miền Tây Nam Bộ và miền Đông Nam Bộ.

Hầm Thủ Thiêm được đánh giá là hầm vượt hiện đại nhất Đông Nam Á. Công trình đại lộ đầu tiên của thành phố, dự án Đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ) sử dụng vốn vay ODA của Nhật Bản, thi công năm 2005 đã hiện thực hóa giấc mơ nối từ phía đông sang phía tây thành phố.

Đại lộ Đông Tây (nay là đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ). Với chiều dài gần 22 km, tuyến đường đã thông xe toàn tuyến vào năm 2011, tạo thành một trục đường mới ra vào phía nam theo hướng đông-tây, nhằm giảm ách tắc giao thông cho cầu Sài Gòn, tạo trục giao thông sang Thủ Thiêm. Tuyến đường còn đáp ứng yêu cầu lưu thông, vận chuyển hàng hóa cho các cảng đi các nơi theo hướng đông bắc-tây nam thành phố và các tỉnh đồng bằng sông Cửu Long.

Đại lộ Võ Văn Kiệt-Mai Chí Thọ công trình đã góp phần thay đổi toàn diện bộ mặt đô thị dọc hai bên tuyến kênh Tàu Hủ-Bến Nghé, tạo vẻ mỹ quan cho thành phố; đồng thời, cải thiện nguồn nước thải ra kênh thông qua dự án cải thiện môi trường.

Cầu Ba Son, cây cầu dây văng bắc qua sông Sài Gòn, kết nối giao thông, thương mại du lịch khu vực trung tâm quận 1 với thành phố Thủ Đức. ( Ảnh: THÀNH ĐẠT)


Trung tâm quận 1 với tòa nhà Bitexco 69 tầng, công viên Bến Bạch Đằng, cột cờ Thủ Ngữ, quảng trường Mê Linh... những công trình biểu tượng gắn liền với Thành phố Hồ Chí Minh sau 50 năm thống nhất đất nước.

Cầu Ba Son về đêm. ( Ảnh: THÀNH ĐẠT).

Sau nhiều lần chỉnh trang, khu vực công viên Công trường Mê Linh, nơi đặt tượng đài Đức Trần Hưng Đạo, quận 1, chính thức đi vào hoạt động vào tháng 3/2022. (Ảnh: THÀNH ĐẠT).


Những dự án dân cư cao cấp, công viên ven sông và dự án cao ốc dần hình thành trên nền đất từng là đầm lầy, minh họa rõ nét cho sự thay đổi trong quy hoạch đô thị Thành phố Hồ Chí Minh.

Ngày nay, nơi này trở thành khu đô thị hiện đại với điểm nhấn là tòa tháp Landmark 81 tầng, cao nhất Việt Nam.

Xa lộ Hà Nội, tuyến đường huyết mạch của Thành phố Hồ Chí Minh từ những năm 70 của thế kỷ trước. (Ảnh tư liệu)

Qua 50 năm, trục đường Võ Nguyên Giáp (Xa lộ Hà Nội cũ) đã chứng kiến sự lột xác ấn tượng về hạ tầng giao thông. Từ một con đường hai làn giản đơn nối Sài Gòn với miền đông, tuyến đường này nay mở rộng lên 8 đến 10 làn xe, được trang bị cầu vượt, hầm chui và các nút giao thông hiện đại.



Dự án đường nối Trần Quốc Hoàn, Cộng Hòa kết nối nhà ga T3 Sân bay Tân Sơn Nhất của những ngày tháng 4.

