Ai mua nghệ thuật đương đại Việt Nam?

Qua hơn hai năm với rất nhiều hoạt động đình đám, The Outpost, tổ chức nghệ thuật đương đại tư nhân lớn ở Hà Nội, với tổng diện tích khu vực hoạt động là 1.600 m2 và tọa lạc trong một khu vực đô thị mới sầm uất, đã “tạm đóng cửa” vào đầu năm 2025.

Trước khi tạm đóng cửa, The Outpost thực hiện triển lãm Dệt phối cảnh, từ ngày 7/12/2024 đến 4/1/2025, với đa dạng hoạt động, trong đó có hướng dẫn xem triển lãm dành cho cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. (Nguồn The Outpost Art Organisation)
Trước khi tạm đóng cửa, The Outpost thực hiện triển lãm Dệt phối cảnh, từ ngày 7/12/2024 đến 4/1/2025, với đa dạng hoạt động, trong đó có hướng dẫn xem triển lãm dành cho cộng đồng sử dụng ngôn ngữ ký hiệu. (Nguồn The Outpost Art Organisation)

Một phòng trưng bày khác, ra đời cuối năm 2023 ở trung tâm Hà Nội, cũng ưu tiên cho nghệ thuật đương đại, và giờ, im ắng chuyển dời địa điểm.

Đó là hai trong số “đếm trên đầu ngón tay” những địa chỉ tại Hà Nội thường xuyên giới thiệu nghệ thuật đương đại Việt Nam một cách bài bản nhưng gặp khó khăn chỉ sau thời gian ngắn vận hành. Tuy nhiên, phía sau hiện tình này, vẫn có âm thầm những chuyển động trong mua-bán tác phẩm nghệ thuật đương đại ở Việt Nam, gợi mở nhiều suy ngẫm về tiềm năng phát triển thương mại của lĩnh vực sáng tạo này.

Thương mại hóa có làm chuyển dịch ý nghĩa tác phẩm?

Sau nhiều năm chuyên tâm lo cho gia đình, N. trở lại tập trung thực hành nghệ thuật đương đại với một triển lãm cá nhân rất được chú ý trong giới, vào cuối năm 2023 tại Hà Nội. Từ đó, tác phẩm của nghệ sĩ này được một quỹ nghệ thuật nước ngoài có văn phòng tại Việt Nam quan tâm, lựa chọn giới thiệu trong một sự kiện triển lãm khá lớn tại Trung Quốc, vào cuối năm 2024. Tiếp đó là một chương trình lưu trú nghệ thuật cũng do quỹ này hỗ trợ phần lớn kinh phí. Tất cả đem tới cho nghệ sĩ niềm vui, niềm tin sâu sắc hơn vào hành trình sáng tạo.

Tuy nhiên, một niềm lo canh cánh trong N. vẫn là “bán tác phẩm”. Không phải là không có người mua. Nhưng ý niệm nghệ thuật trong tác phẩm của chị được thể hiện đầy đặn qua toàn bộ trình hiện của triển lãm, nói cách khác, có thể xem cả triển lãm như một tác phẩm lớn. Nó bao gồm những bức tranh khổ lớn được thể hiện bằng từng chấm vân tay của nghệ sĩ, độ đậm nhạt khác nhau của màu đen tạo nên hình và sắc. Cùng với đó, nhiều phân mảnh khác chính là những bức gốm được bày xếp cạnh nhau trên sàn. Trên từng bức gốm, có chi tiết là các mảnh cổ vật tan chảy tạo hình thù tự nhiên trong nhiệt độ của lò nung, điều nghệ sĩ không thể định trước. Tất cả đem tới nhiều gợi mở suy ngẫm về những liên hệ lịch sử, địa lý trong quá khứ-hiện tại-tương lai, những hình dung xuyên không-thời gian về cá nhân con người, loài người, vũ trụ… Chính vì vậy, điều chị mong đợi là “có ai đó sẽ sở hữu tác phẩm lớn ấy”. Và trong lúc đợi, chị vẫn túc tắc bán lẻ từng đơn vị. Khách hàng mua tác phẩm của N. khá đa dạng, trong đó có một số là cá nhân trẻ tuổi, ở trong nước. Nhưng khi khách mua lẻ từng bức, họ có thể treo lên tường đâu đó trong nhà riêng, tương tự như treo một bức tranh, “cũng rất đẹp”, để xử lý khoảng trống thẩm mỹ trên một ô tường.

Gợi ý “chia nhỏ” tác phẩm để có thể dễ bán hơn cũng được gửi đến một nghệ sĩ điêu khắc đương đại trong triển lãm mà anh ấp ủ ý tưởng qua nhiều năm tháng. Được biết, tác phẩm của nghệ sĩ này chiếm không gian ba chiều với thể tích lớn, chiều dài nhất trong kích thước tác phẩm đã tới gần 600 cm, mỗi chiều còn lại chừng 200 cm. Tác phẩm nằm trong tổng thể một ý tưởng bao trùm về quan hệ con người-thiên nhiên trong thời đại công nghiệp hóa với rất nhiều cặp suy tưởng đối lập: đặc-rỗng, được-mất, bao bọc-tù ngục hay bảo vệ… Tác phẩm được lắp ghép từ nhiều khối thành tố, có thể thay thế, nhưng khi tách ra khỏi khối tổng thể, một khối thành tố có thể là gì? “Một cành trang trí nơi góc tường, trên trần của một quán bar có phong cách nào đó…” - nghệ sĩ trả lời trong tiếng cười nhẹ.

Trong giới mỹ thuật lâu nay, có không ít chuyện “trà dư tửu hậu” về xu hướng kết giao với giới kiến trúc sư của các nghệ sĩ thị giác thức thời. Bởi không khó để nhận ra, tác phẩm của một số nghệ sĩ, vốn ra mắt lần đầu trong triển lãm cá nhân từng được giới thiệu là nghệ thuật sắp đặt đầy tính thể nghiệm, đã được chuyển dịch thành đồ trang trí ở quán cà-phê thời thượng, thiết kế bởi một vị kiến trúc sư nào đó kiêm “nhà sưu tập”…

Cần những tổ chức dẫn hướng chính thức

Sự phá bỏ ranh giới giữa các loại hình mỹ thuật, tự do thể nghiệm khi kết hợp với các loại hình nghệ thuật khác, kể cả khoa học-công nghệ mới, khiến cho nghệ thuật đương đại được xem là biểu hiện của sự tự do sáng tạo mạnh mẽ, có khả năng khơi nguồn cảm xúc và đánh thức tiềm năng, tư duy sáng tạo vô tận trong chính mỗi người xem, thúc đẩy tư duy sáng tạo của xã hội.

Nghệ sĩ Việt Nam Ưu Đàm Trần Nguyễn là tác giả của License 2 Draw- một tác phẩm nghệ thuật kết hợp công nghệ đạt thành công khá ngoạn mục. License 2 Draw dùng công nghệ điều khiển xe vẽ từ xa, qua một phần mềm cùng tên. Ở bất kỳ đâu trên thế giới, người tham gia chỉ cần tải ứng dụng cùng tên rồi dùng để điều khiển xe vẽ cách xa họ có khi vạn dặm. Sự độc đáo, tính tương tác cao, mang đậm tinh thần toàn cầu hóa của cuộc sống đương đại cùng tính giải trí và thẩm mỹ của License 2 Draw khiến tác phẩm đoạt giải Giải thưởng của Ban giám khảo (Jury Selection) tại cuộc thi quốc tế Japan Media Art Festival 2015. Sau đó, tác phẩm được Queensland Art Gallery/QAGOMA, gallery công lập của Australia chọn lưu bày qua tất cả các địa hạt thuộc bang Queensland, Australia.

Tiếp sau thể nghiệm hiếm hoi nghệ thuật kết hợp công nghệ của nghệ sĩ Việt Nam được quốc tế ghi nhận nói trên, mới đây, Phạm Minh Hiếu là nghệ sĩ thị giác duy nhất của Việt Nam tham gia sự kiện Gian trưng bày quốc gia/Gwangju Biennale Pavilion tại Liên hoan nghệ thuật đương đại định kỳ hai năm Gwangju lần thứ 15 (ngày 7/9-1/12/2024, Hàn Quốc). Tác phẩm của anh là một trình hiện nghệ thuật giàu ý niệm và thẩm mỹ được tạo thành từ sự kết hợp rất nhiều yếu tố: vật thể, các video, âm thanh cùng thiết bị kỹ thuật công nghệ cao kèm theo.

Một thí dụ khác: Singapore là một quốc đảo nhỏ, diện tích chỉ hơn 700 km2 nhưng kể từ sau một vài phiên tổ chức, Liên hoan nghệ thuật đương đại quốc tế định kỳ hai năm Singapore Biennale do Hội đồng nghệ thuật quốc gia Singapore chủ trì đã trở thành điểm đến nghệ thuật đương đại toàn cầu, mỗi phiên thu hút hàng chục nghìn lượt khách tham quan từ khắp nơi trên thế giới.

Ở Việt Nam, từ đầu những năm 1990 đến nay, nghệ thuật đương đại được nhiều nghệ sĩ đón nhận và chấp nhận mọi định kiến, thử thách xã hội để nuôi dưỡng mơ ước thể nghiệm. Phải đến cuối năm 2013, trong Nghị định về Hoạt động mỹ thuật do Thủ tướng Chính phủ ban hành, mới có nội dung chính thức công nhận các hình thức nghệ thuật đương đại, như nghệ thuật sắp đặt, nghệ thuật trình diễn, video art, body art, là thuộc lĩnh vực mỹ thuật.

Mặc dầu vậy, vì nhiều nguyên do, đến nay, các tác phẩm nghệ thuật đương đại vẫn chưa được sưu tập một cách chính thức và có hệ thống bởi Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam cũng như bởi các bảo tàng mỹ thuật công lập ở địa phương. Bên cạnh đó, hiện cũng chưa có một nguồn quỹ nội địa chính thức công bố dành riêng cho nghệ thuật đương đại thông qua hình thức tài trợ, hỗ trợ chuyên môn, kỹ thuật…

Ngay tại Cuộc thi và Triển lãm Mỹ thuật Việt Nam và Festival Mỹ thuật trẻ, hai sự kiện mỹ thuật quốc gia định kỳ do Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch chủ trì, số lượng tác phẩm nghệ thuật đương đại lọt vào vòng trưng bày cứ thưa vắng dần, từ chiếm ưu thế như trong một vài kỳ Festival Mỹ thuật trẻ đầu tiên, trở nên thành thiểu số, không đáng kể nếu so số lượng tranh, tượng theo thể thức từ bao nhiêu năm qua.

Hoạt động nghệ thuật đương đại ở tất cả khía cạnh, từ sáng tạo, điều phối, kết nối giới thiệu trên truyền thông, đầu tư ban đầu, tài trợ, mua-bán, vẫn do cá nhân các nghệ sĩ và một số đơn vị tư nhân tự tìm đường.

Từ câu chuyện tưởng nhỏ: Ai là người đang mua nghệ thuật đương đại Việt Nam đến vấn đề lớn là khả năng khai thác tối đa các giá trị và tiềm năng sáng tạo vô tận của lĩnh vực này, cho thấy, đã đến lúc chúng ta không nên tiếp tục hoài phí những kho báu sáng tạo của chính mình. Nói cách khác, đã đến lúc cần có cơ chế, chính sách thúc đẩy mạnh mẽ và thực chất hơn nữa sự vào cuộc của tất cả các bên dành cho nghệ thuật đương đại Việt Nam. Đơn cử: Một cơ chế thúc đẩy xây dựng quỹ chính thức cho tài trợ, sưu tập nghệ thuật đương đại với những chính sách giảm, miễn thuế phù hợp, khuyến khích tất cả các thành phần tham gia. Cùng với đó là việc nhấn mạnh vai trò dẫn hướng của các tổ chức công lập trong hỗ trợ giáo dục, hướng dẫn thưởng lãm, tài trợ, sưu tập nghệ thuật đương đại, tạo nên tầm ảnh hưởng xã hội tích cực của mỹ thuật nước nhà tương ứng với tiềm năng sáng tạo của đội ngũ nghệ sĩ.

Ngân Hà