15 năm một cây cầu chứng sinh

Xuôi thành phố Đông Hà, tỉnh Quảng Trị về vùng đồng bằng ven biển Triệu Phong, đó là chuyến đi hiếm hoi của chúng tôi về cù lao Bắc Phước (thuộc xã Nam Cửa Việt) đúng ngày cây cầu chứng sinh nối qua đất cù lao tròn 15 năm tuổi.

Thôn Bắc Phước trù phú hơn nhờ cây cầu chứng sinh.
Thôn Bắc Phước trù phú hơn nhờ cây cầu chứng sinh.

1. Từng bị ám ảnh bởi nghèo khó, người làng Hà La, Duy Phiên, Dương Xuân (nay thuộc thôn Bắc Phước) xưa kia phải khăn gói ra đi, phiêu bạt nơi được gọi là cùng trời cuối đất, miền núi xa xôi, miền biên cương Tổ quốc. Ở đâu kiếm được kế sinh nhai, thuận tiện cho con em học hành là người đất cù lao ngày ấy ra đi. Đó cũng là một phần làm nên lịch sử của đời sống dân sinh ở mảnh đất kẹp giữa hai con sông lớn của Quảng Trị - sông Thạch Hãn và sông Hiếu.

Cũng bởi thế mà cù lao chịu lắm thiên tai, khi một chặng dài không có đê điều, không đường, không cầu kè tránh lũ. Mỗi năm nước lớn từ hai con sông có lưu lượng nước lớn nhất vùng lại đổ về cù lao, từng mái nhà ngập trong lũ, hoa màu của người dân, động vật nuôi, kể cả loài chim di cư đến đây mỗi mùa lũ cũng phải dáo dác bởi tình cảnh chạy lũ của đất cù lao thuở nào.

Ông Nguyễn Lâm Tiếu, 67 tuổi, người làng Dương Xuân kể với chúng tôi trong nỗi bùi ngùi: Mấy chục năm trước mọi thứ rất khó khăn, đường xá, cầu cống, đê điều… còn thiếu dữ lắm. Mỗi mùa mưa lũ là nơm nớp lo âu, nước vô tới sân, người trèo lên bàn, nước vô tới nhà, ngập lên bàn, người trèo lên nóc nhà, nước lên tới nóc nhà, gia đình kéo nhau lên đò chạy lũ.

Trong ký ức chị Nguyễn Thị Tơ, người làng Mai Xá, xã Nam Cửa Việt, tỉnh Quảng Trị trong những năm mới về làm dâu ở làng Duy Phiên: Ở làng mẹ đẻ đã gặp lũ, về quê chồng nước trắng trời, mỗi năm một vài ngày nhưng không sao quên được, đó là những ngày khó nhất trong năm. Những năm gần đây đất cù lao cũng đỡ nước.

171.jpg
Cầu Bắc Phước.

2. Theo tìm hiểu của chúng tôi, hệ thống kênh mương nội đồng, kè chắn lỡ, đê điều đã phần nào ngăn được lượng nước từ các con sông lớn khiến đất cù lao bớt “thoi thóp” hơn trong mùa mưa lũ. Hệ thống Đập Trấm trên địa bàn huyện Triệu Phong đã “giữ” bớt dòng nước lũ trong mỗi mùa mưa lớn. Và cây cầu Bắc Phước nối cù lao xã Nam Cửa Việt với xã Triệu Bình và thế giới bên ngoài, nó đã làm nên cuộc lịch sử trong đời sống dân sinh, có cầu, cuộc sống người dân cù lao trở nên khởi sắc.

Ông Nguyễn Lâm Tiếu vẫn nhớ như in ngày được đi qua cầu Bắc Phước, bước chân ông như nhẹ hẳn lên, mọi người dân đất cù lao hứng khởi lên cầu xem cây cầu lịch sử được đưa vào sử dụng: Ngày 11/4/2010, cầu Bắc Phước được khánh thành đưa vào sử dụng, mọi người mừng đến phát khóc. Từ nay lên huyện, lên tỉnh khỏi còn cách trở đò giang, mùa lũ có đi tránh nước cũng dễ dàng lắm rồi. Nhất là con em khỏi phải thất học trong mùa mưa lũ.

3. Cầu Bắc Phước tròn 15 năm đã thực hiện sứ mệnh của mình cho đời sống đất cù lao, cho từng người dân rút khoảng cách thời gian đi lại và từ đó đời sống dân sinh khởi sắc, các mặt hàng nông thủy sản được đưa ra bên ngoài thuận tiện hơn. Trước đó, muốn lên huyện, lên tỉnh, người dân phải đi đò ngang, đò dọc, mất ít nhất 30-45 phút một lượt đi, đó là chưa kể đến sự rủi ro trên sông nước. Ông Tiếu tâm sự, bây giờ người dân cù lao đi thành phố Đông Hà chỉ mất 15 phút đi xe máy thôi, tiết kiệm được thời gian, tiền bạc.

Cầu Bắc Phước khởi công đầu năm 2008, đưa vào sử dụng năm 2010, tổng vốn đầu tư hơn 29 tỷ đồng từ ngân sách địa phương. Cầu xây bằng bê-tông cốt thép, tải trọng thiết kế HL93X0,65, dài 372 m, 11 nhịp. Cầu đã tạo điều kiện đi lại thuận tiện cho hơn 400 hộ gia đình với gần 3.000 người dân trong suốt 15 năm qua, trong đó có hơn 300 học sinh ở 3 thôn trên cù lao Bắc Phước lâu nay vẫn phải qua sông bằng đò, giúp địa phương có điều kiện phát triển kinh tế, văn hóa xã hội.

Cù lao bây giờ đã trở nên trù phú, 15 năm qua cây cầu đã nối những niềm vui, vun đắp hạnh phúc và di dưỡng cho người ở vùng đất cù lao ven sông Thạch Hãn này. Nói một cách khác, với đời sống của hơn 400 hộ dân thôn Bắc Phước trên đất cù lao thì cầu Bắc Phước là một dạng phù sa đã, đang và tiếp tục bồi đắp cho người dân cù lao vượt qua những khốn khó, vững chãi đi lên và trù phú như bây giờ.

Bài và ảnh: LÊ MINH HÀ