Nhớ một Tổng Biên tập trẻ trung mà già dặn, rất bình dị, luôn gần gũi mọi người

Kể một vài kỷ niệm về anh, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của người Thủ trưởng một thời mà sau này là đồng chí Tổng Bí thư kính mến Nguyễn Phú Trọng. Xin vĩnh biệt Anh.
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thế hệ cán bộ Tạp chí Cộng sản tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. (Ảnh: Văn Thành/www.tapchicongsan.org.vn)
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng với các thế hệ cán bộ Tạp chí Cộng sản tại Lễ kỷ niệm 85 năm Ngày Tạp chí Cộng sản ra số đầu và đón nhận Huân chương Hồ Chí Minh lần thứ hai. (Ảnh: Văn Thành/www.tapchicongsan.org.vn)

Tôi vào làm việc tại Tạp chí Cộng sản đầu tháng 4/1984, khi đồng chí Nguyễn Phú Trọng đã là Phó Trưởng Ban Xây dựng Đảng. So với các lãnh đạo cấp vụ của Tạp chí thời điểm đó, anh Trọng là người trẻ nhất và có học vị cao nhất – Phó tiến sĩ chuyên ngành xây dựng Đảng, chuyên ngành đúng với ban chuyên môn anh làm việc. Anh tốt nghiệp Đại học Tổng hợp Hà Nội, chuyên ngành ngữ văn. Trước khi đi làm thực tập sinh tại Viện Hàn lâm khoa học xã hội trực thuộc Đảng Cộng sản Liên Xô (AON) và hoàn thành luận án phó tiến sĩ, anh học chương trình nghiên cứu sinh chuyên ngành kinh tế-chính trị của Trường Đảng cao cấp Nguyễn Ái Quốc. Vì vậy, so với nhiều cán bộ khác, anh vừa có kiến thức, kỹ năng văn học, vừa có kiến thức lý luận vững vàng.

Chúng tôi gồm 6-7 cán bộ trẻ được tuyển về Tạp chí những năm 1983, 1984 đều tốt nghiệp các trường đại học có uy tín trong nước, như Đại học Tổng hợp Hà Nội, Đại học Tuyên giáo, có mấy người tốt nghiệp đại học ở Liên Xô về. Chúng tôi được học một khóa bồi dưỡng nghiệp vụ tạp chí khoảng một tháng dưới sự dạy bảo của các nhà báo có kinh nghiệm lâu năm ở Tạp chí và Hội Nhà báo Việt Nam, sau đó được phân về các ban chuyên môn khác nhau. Tôi ở Ban Chính trị, vì vậy, không làm việc trực tiếp với anh Trọng. Tuy nhiên trong những năm đó, anh là Phó Bí thư Đảng ủy, rồi Bí thư Đảng ủy cơ quan, nên biết tất cả cán bộ trẻ mới về.

Năm 1989, anh được đề bạt làm Ủy viên Ban Biên tập, rồi Phó Tổng Biên tập, phụ trách nội dung, tôi có dịp gặp anh đôi lần xin ý kiến về bài vở. Từ năm 1991 đến cuối năm 1996, anh là Tổng Biên tập thì có nhiều dịp gặp anh hơn.

Như đã nói ở trên, anh Trọng là người trẻ nhất trong số cán bộ cấp vụ và cũng là trẻ nhất trong các Phó Tổng Biên tập và Tổng Biên tập của Tạp chí Cộng sản những năm 80, 90 của thế kỷ XX. Khi được giao chức vụ Tổng Biên tập (sau Đại hội VII của Đảng), anh mới 47 tuổi. Anh không chỉ là cán bộ lãnh đạo trẻ về tuổi mà còn về phong cách. Nhiều ngày, hết giờ làm việc, anh xuống chơi vài séc bóng bàn với cánh trẻ chúng tôi trước khi về nhà. Anh thường quan tâm, ủng hộ các hoạt động của Đoàn Thanh niên chúng tôi. Về phía cán bộ trẻ, dù là người làm việc trực tiếp dưới quyền anh ở ban chuyên môn hay không, đều có thiện cảm với anh vì dù là Phó ban, Trưởng Ban hay Phó Tổng Biên tập, rồi Tổng Biên tập, anh đều thân thiện, ân cần với mọi người.

Tuy là lãnh đạo trẻ nhưng ở mỗi cương vị của mình, anh đều được nhiều người, kể cả cán bộ lâu năm, nhiều tuổi hơn đánh giá là chín chắn, mọi việc của Tạp chí thời kỳ anh lãnh đạo, nhất là về mặt nội dung, đều trôi chảy. Tạp chí vừa kế thừa được tinh thần đổi mới trước đó, vừa bảo đảm đi đúng quan điểm, đường lối do Đại hội VII đề ra, nhất là trong bối cảnh các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu và Liên Xô vừa sụp đổ hoàn toàn, đất nước ta còn gặp rất nhiều khó khăn trong những năm đầu phát triển kinh tế hàng hoá nhiều thành phần, công nghiệp hóa và hiện đại hóa. Trong bối cảnh đất nước thời kỳ đó, trên lĩnh vực tư tưởng, lý luận cũng có nhiều quan điểm phức tạp. Trong nhân dân và một bộ phận không nhỏ cán bộ, đảng viên ở các cấp có sự lung lay, dao động, mất niềm tin.

Tôi nhớ vào khoảng năm 1994-1995, tôi có biên tập một bài của một đồng chí lãnh đạo viết về đấu tranh chủ quyền biên giới, hải đảo. Thấy bài viết lâu không được đăng, có lần gặp anh tôi hỏi. Anh trả lời phải cân nhắc, trong bối cảnh lúc đó, viết như vậy không có lợi, nên không thể đăng. Sau này, tôi thấy quyết định đó của anh là đúng.

Do có tầm nhìn, nhãn quan chính trị tốt, lại có tính cẩn trọng, trách nhiệm, nên anh được nhiều đồng chí lãnh đạo cấp trên tin tưởng, yêu mến. Công việc của Tạp chí vì vậy cũng thêm phần thuận lợi, suôn sẻ.

Anh có niềm tin với cán bộ trẻ, sẵn sàng tạo điều kiện để cán bộ trẻ bộc lộ khả năng và phát triển. Tôi nhớ, khoảng năm 1987, với tư cách là Bí thư Đảng uỷ cơ quan, một lần, anh yêu cầu tôi thông tin cho cán bộ cơ quan về hoạt động của kỳ họp Quốc hội cuối năm. Trước đổi mới, thông tin kỳ họp Quốc hội rất hạn chế, số cơ quan báo chí được dự để đưa tin không nhiều, từ nhiệm kỳ 1987-1991 trở đi thì cởi mở hơn, song cũng chưa truyền hình trực tiếp các phiên chất vấn.

Mỗi kỳ họp Quốc hội, Tạp chí lại cử cán bộ đi dự thính. Việc này được giao cho Ban Chính trị và Ban Chính trị thường cử một đến hai người, trong đó có tôi. Nhận thấy dự thính là dịp tốt để hiểu biết tình hình đất nước, nên tôi thường chăm chỉ đến Hội trường Ba Đình, dự các phiên toàn thể và cả các phiên họp đoàn, do đó nghe được các đại biểu trao đổi ý kiến, kể cả ý kiến của các đồng chí lãnh đạo cao nhất của Đảng, Nhà nước tại kỳ họp. Tuy nhiên đi làm nhiệm vụ là một chuyện, còn được yêu cầu thông tin cho cả cơ quan lại là chuyện tôi chưa bao giờ nghĩ đến, nhất là tôi còn rất trẻ so với nhiều cán bộ biên tập của Tạp chí. Cũng may, do chăm chỉ ghi chép nên tôi thuật lại khá gọn gàng, mạch lạc, có trọng tâm, trọng điểm. Cuối buổi, anh Trọng tỏ ý hài lòng, khiến tôi nhẹ người.

Năm 1993, khi đã là Tổng Biên tập, biết tôi vừa làm việc, vừa theo học chương trình nghiên cứu sinh, qua người khác, anh hỏi thăm tôi, vì vậy để đáp lại thịnh tình của anh, một hôm tôi gõ cửa phòng anh xin gặp. Đang làm việc, anh dừng lại nói chuyện thân mật với tôi, dặn tôi cố gắng hoàn thành chương trình. Tới giữa năm 1995, tôi bảo vệ luận án phó tiến sĩ triết học tại Ủy ban Khoa học xã hội (nay là Viện Hàn lâm khoa học xã hội Việt Nam) thì anh là thành viên Hội đồng chấm luận án và đã dành những lời khen ngợi cho tôi. Cùng với đánh giá tốt của nhiều thành viên Hội đồng đang là lãnh đạo của Viện Mác-Lênin, Ủy ban Khoa học xã hội, lời khen của Thủ trưởng cơ quan khiến tôi cảm động, vui sướng.

Cuối năm đó, Tạp chí tổ chức cuộc hội thảo khoa học, về vấn đề định hướng xã hội chủ nghĩa, tôi chỉ là biên tập viên còn tương đối trẻ, tuy có bài tham luận, nhưng thực sự không nghĩ mình sẽ được phát biểu, nhất là khi tham dự hội thảo còn nhiều nhà khoa học từ các cơ quan khác đến. Thế mà anh chỉ định và cho phép tôi phát biểu trong vòng mươi phút. Điều này khiến tôi tin anh thực sự là Thủ trưởng luôn quan tâm tạo điều kiện, thậm chí ưu ái với cán bộ trẻ.

Cũng vì tin như vậy, nên năm 1999, khi anh được phân công phụ trách công tác tư tưởng, khoa giáo của Đảng, làm việc ở phố Nguyễn Cảnh Chân, một lần tôi mạnh dạn gọi điện mời anh viết cho Bản tin Chính trị học của Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh một bài. Anh nhận lời ngay, nhưng yêu cầu tôi chấp bút. Khi tôi đưa cho anh duyệt, anh sửa rất ít. Đồng chí thư ký của anh nói với tôi đây là trường hợp hiếm có. Tôi trả lời, vì làm việc nhiều năm ở Tạp chí tôi rất hiểu văn phong của Anh, nên có nhiều thuận lợi. Nhưng tôi thầm nghĩ, có lẽ anh muốn tạo điều kiện thuận lợi cho tôi hoàn thành nhiệm vụ nên như thế.

Nhớ một Tổng Biên tập trẻ trung mà già dặn, rất bình dị, luôn gần gũi mọi người ảnh 1
PGS, TS Vũ Hoàng Công, Học viện Chính trị quốc gia Hồ Chí Minh (cán bộ biên tập Ban Chính trị, Tạp chí Cộng sản từ 1984-1999). (Ảnh: TTXVN)

Ở Tạp chí, anh Trọng được mọi người trong cơ quan đánh giá là người trọng tình nghĩa, sống chân thành. Khi anh phê bình, nhắc nhở thì thường nhẹ nhàng, ngược lại, anh khen ai thì thật lòng, đúng mực, vì vậy, lời nói của anh rất đáng tin cậy. Khi đã là Ủy viên Trung ương Đảng, hầu như anh không có biểu hiện gì khác so với trước, kể cả trong chế độ hưởng thụ lẫn cách cư xử với cán bộ trong cơ quan. Tôi nhớ năm 1996, anh dẫn đầu đoàn cán bộ Tạp chí đi Tuyên Quang. Sau khi làm việc với Tỉnh ủy, đoàn đi về Tân Trào và sau đó đi Thái Nguyên. Ra khỏi thành phố Tuyên Quang một đoạn, tôi thấy chiếc xe của anh đi trước dừng lại, anh rời khỏi xe và ra hiệu mở cửa chiếc xe 15 chỗ của chúng tôi, rồi anh lên xe ngồi, bảo “ngồi chung cho vui”. Trên đường đi anh nói chuyện vui, có lúc đọc một đoạn trong bài thơ Việt Bắc của Tố Hữu. Tôi rất phục vì trí nhớ của anh tốt, anh lại có năng khiếu diễn ngôn, nên khi truyền đạt hay diễn giảng điều gì thường dễ dàng, dễ hiểu.

Khoảng cuối tháng tám năm đó, nhiều cán bộ Tạp chí lại có dịp đi nghỉ hè cùng anh. Đây là cơ sở an dưỡng của quân đội tại Đồ Sơn. Anh ở trong căn phòng bình thường như mọi người khác, cùng ăn ở nhà ăn, cùng đi thăm một vài thắng cảnh của Đồ Sơn, chụp ảnh với cả đoàn, có cả mấy cháu nhỏ, con của một số cán bộ đưa đi cùng. Có buổi chiều còn sắn quần xuống đá bóng trên bãi biển với mấy anh cán bộ trẻ chúng tôi. Có một tối, anh đi qua mấy phòng và ghé vào phòng tôi.

Nói chuyện ít phút, anh hỏi tôi suy nghĩ gì về công việc ở Tạp chí, tôi trả lời thật: “Em thấy đây là nơi rất phù hợp, chắc là em sẽ làm cho đến hết đời”. Lúc ấy tôi không biết sau Đại hội lần thứ VIII, anh được điều động về Thành ủy Hà Nội với cương vị mới - Phó Bí thư Thành ủy và đây là chuyến nghỉ hè cuối cùng của anh với Tạp chí. Vào thời điểm đó không ai nghĩ được 15 năm sau, anh trở thành người lãnh đạo cao nhất của Đảng, có uy tín và ảnh hưởng to lớn cả trong nước và quốc tế. Không phải vì may mắn mà vì chính những phẩm chất, năng lực, trí tuệ của anh là những điều được anh hun đúc qua bao nhiêu năm công tác trên các cương vị khác nhau, trong đó có cả những năm tháng tại Tạp chí Cộng sản.

Kể một vài kỷ niệm về anh, tôi xin kính cẩn nghiêng mình trước anh linh của người Thủ trưởng một thời mà sau này là đồng chí Tổng Bí thư kính mến Nguyễn Phú Trọng. Xin vĩnh biệt Anh.

PGS, TS Vũ Hoàng Công
Nguồn Tạp chí Cộng sản