Bài học từ sự tinh tế, bình dị

PGS, TS, nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân, Chủ tịch Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam, không giấu được niềm xúc động khi chia sẻ với Nhân Dân cuối tuần những suy ngẫm của ông về Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, người mà cá nhân ông muốn gọi là "một người anh" trong đại gia đình văn nghệ sĩ Việt Nam hôm nay.
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ĐĂNG KHOA
Lãnh đạo Liên hiệp các Hội Văn học nghệ thuật Việt Nam trao kỷ niệm chương Vì sự nghiệp Văn học nghệ thuật Việt Nam và tặng hoa Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng. Ảnh: ĐĂNG KHOA

Nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nhớ lại: "Sáng 22/7/2023, Tổng Bí thư đã dành cho tôi một cuộc gặp dài, từ 9 giờ 45 phút đến 11 giờ 35 phút. Vì là cuộc gặp chỉ giữa hai người, tôi xin phép được gọi ông là "bác", xưng "em", vì tính ra, tôi kém ông đúng 12 tuổi. Đáp lại, ông cười bảo: "Thế là chúng ta cùng tuổi Thân đấy!". Ông mở đầu câu chuyện bằng việc nói về các thế hệ văn nghệ sĩ đi trước. Trong lĩnh vực nào, ông cũng nhắc tới tên tuổi những bậc tài danh và tác phẩm của họ. Ông nhiều lần đặt tay lên ngực trái, nhìn tôi và nhắc đi nhắc lại: Muốn có tác phẩm hay, phải xuất phát từ trái tim…".

Lời nhắc nhở như một chia sẻ chân tình ấy của Tổng Bí thư khiến nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân càng thấm thía và nhớ lại sự quan tâm với một tình cảm đặc biệt của ông dành cho lĩnh vực văn học nghệ thuật và đội ngũ văn nghệ sĩ cả nước: Trải qua các cương vị khác nhau trong sự nghiệp chính trị nhưng ở cương vị nào, đồng chí Nguyễn Phú Trọng vẫn dành thời gian trực tiếp thăm giới văn nghệ sĩ, dự nhiều cuộc gặp gỡ, phát biểu về từng lĩnh vực văn học nghệ thuật với tầm nhìn rộng dài cùng sự trân trọng và tình cảm thấu đáo.

Bên cạnh quan điểm chỉ đạo của Tổng Bí thư thể hiện trong các chỉ thị, nghị quyết về vai trò của văn hóa trong tình hình mới, trăn trở lớn nhất của ông là làm sao để tiếp nối được truyền thống vẻ vang của văn hóa, văn học nghệ thuật kể từ khi có Đảng lãnh đạo, và đặc biệt là làm sao để đội ngũ văn nghệ sĩ hôm nay có điều kiện sáng tác được nhiều hơn nữa những tác phẩm hay, có giá trị, xứng với tầm vóc của dân tộc. "Nói về đường lối phát triển của văn học nghệ thuật nước nhà, ông luôn nhấn mạnh là phải xây dựng một nền văn hóa phát triển toàn diện, trong đó, văn học nghệ thuật là bộ phận quan trọng đặc biệt. Ông nhắc đến vai trò chủ thể của nền văn hóa ấy, cũng là bên thụ hưởng văn hóa, "luôn là nhân dân". Đồng thời, ông đề cao vị trí của giới trí thức và văn nghệ sĩ trong việc củng cố, xây dựng vai trò chủ thể đó của nhân dân, đóng góp những tác phẩm có giá trị cao vào sự thụ hưởng văn hóa của nhân dân. Ông luôn nói: Để có tác phẩm xứng tầm, người sáng tác trước hết phải có tài năng, phải có sự lao động và hòa trái tim mình vào với trái tim nhân dân, với tâm hồn dân tộc. Nếu không có tình cảm, không có sự rung động với cuộc đời, không thể có tác phẩm.

Trở lại ký ức về cuộc gặp riêng với Tổng Bí thư một năm trước, nhạc sĩ còn nhớ nguyên vẹn bầu không khí cởi mở, thân tình và ấm cúng. Nhờ không khí ấy, nhạc sĩ đã mạnh dạn bày tỏ với Tổng Bí thư mong muốn về việc trao tặng Tổng Bí thư Kỷ niệm chương của Liên hiệp. "Dẫu việc trao tặng này là chủ trương chung của Đảng đoàn Liên hiệp nhưng thú thật, chúng tôi chưa biết bắt đầu triển khai như thế nào, trong khi chỉ vài ngày nữa là đến Lễ Kỷ niệm… Vậy mà khi tôi chỉ vừa dứt lời, tôi còn nhớ, giọng của ông phấn khởi, vui mừng: "Ôi, đối với tôi, thế này là vinh dự quá!". Ba ngày sau, trên sân khấu của Lễ Kỷ niệm, ông đã rất vui, đón nhận Kỷ niệm chương và nói: "Cái này, tôi phải giữ suốt đời".

Niềm vui của Tổng Bí thư khi đón nhận Kỷ niệm chương ấy khiến nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân cảm nhận "Tổng Bí thư đã tự nguyện đứng vào hàng ngũ của các văn nghệ sĩ. Tự đáy lòng của ông là cả một sự trân trọng đối với truyền thống văn hóa và văn học nghệ thuật của dân tộc". "Trước khi tôi ra về, ông chủ động bảo chụp ảnh kỷ niệm bên bàn làm việc với ông. Lúc đó, trong phòng, ngoài ông và tôi, chỉ còn một anh cần vụ. Tôi nhờ anh ấy chụp ảnh bằng chiếc điện thoại cá nhân của tôi. Ông bảo tôi đứng gần lại ông cho tình cảm, ông nắm tay tôi trong khi tôi vẫn có ý rụt rè trước vinh dự quá lớn này. Chụp ảnh xong là 11 giờ 35 phút trưa. Ông bảo: Nói chuyện về văn nghệ là phải nói dài!". Câu nói ấy thật giá trị, thể hiện một cách tinh tế sự thấu tình của ông với giới văn nghệ sĩ. "Nói dài" là bởi trong câu chuyện về văn nghệ, với văn nghệ sĩ, còn là bao tâm tư, tâm sự, tâm huyết, còn là phải trao qua đổi lại… Trong ứng xử sâu sắc và tinh tế này của Tổng Bí thư, tôi còn cảm nhận được trọn vẹn từ ông một tâm hồn dung dị, rất Việt Nam. Tôi nhớ lại có lần ông nói, đại ý, lâu nay ông có nghe nhiều mà "chưa thấy bài hát nào hay, đáng nhớ". Là ông đang phê bình giới chúng tôi, nhưng mà cũng như một chia sẻ chân tình. Sự tinh tế của ông ở phía sau đó, thật sự thấm thía đối với cá nhân tôi! Không bao giờ trong trái tim tôi phai mờ cảm xúc này. Giọng nói của ông như đang vọng lại tôi, thuyết phục và đầy ân tình.

Bài học từ sự tinh tế, bình dị ảnh 1
Tấm ảnh kỷ niệm với Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại phòng làm việc của ông được nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân lưu giữ trong điện thoại cá nhân.

Tình cảm và cách ứng xử của Tổng Bí thư với giới văn nghệ sĩ nói chung, với cá nhân nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân nói riêng để lại cho nhạc sĩ một bài học lớn về sức mạnh vô cùng của văn hóa dân tộc, hun đúc qua bao thế hệ, truyền dẫn và điều hướng hành vi của mỗi người trở nên mẫn tuệ, tốt đẹp. Nhạc sĩ càng thấm hiểu về sự quyết tâm và kiên định của Tổng Bí thư trong thực hiện nhiệm vụ xây dựng, phát triển nền văn hóa dân tộc trong thời đại mới.

Tổng Bí thư từng đã chỉ ra nhiều điểm yếu trong công tác cán bộ lãnh đạo và quản lý lĩnh vực văn hóa, văn học nghệ thuật. Một trong số đó là sao lãng, không để ý đến tài năng, thành quả lao động của văn nghệ sĩ trẻ, làm trôi trượt đi, lãng phí nhiệt huyết của họ. Thế hệ văn nghệ sĩ trẻ chính là những người tiếp bước làm nên giá trị tinh thần cho tương lai của đất nước, của dân tộc và Tổng Bí thư luôn nhìn nhận thấy, đánh giá cao tiềm lực, tài năng của họ, luôn nhắc nhở về một sự quan tâm đặc biệt của toàn xã hội dành cho họ, để họ có điểm tựa phát huy được hết tài năng ấy.

"Tổng Bí thư đã truyền cảm hứng, tạo niềm tin của đội ngũ văn nghệ sĩ chúng tôi vào sự phát triển của văn hóa, văn học nghệ thuật nước nhà, thôi thúc chúng tôi, thôi thúc cá nhân tôi phải hành động để có kết quả cuối cùng là có tác phẩm giàu tính nghệ thuật, có tầm tư tưởng cao, làm rung động lòng người và có thể có đời sống lâu dài với non sông đất nước…" - nhạc sĩ Đỗ Hồng Quân khẳng định

CHI MAI (ghi)
Nguồn NHÂN DÂN CUỐI TUẦN