Nỗ lực xóa nhà tạm, bảo đảm sinh kế cho người dân

Chương trình xóa nhà tạm tại các tỉnh, thành phố miền trung-Tây Nguyên đang được triển khai mạnh mẽ. Đây là một trong những giải pháp quan trọng bảo đảm an sinh xã hội, tạo nền tảng vững chắc cho sự phát triển bền vững của khu vực.

Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và đại diện Tổng công ty Điện lực miền trung tại lễ khởi công căn nhà cho gia đình ông Đỗ Đức Thành, trú tại 282/12 Trưng Nữ Vương, thành phố Đà Nẵng.
Lãnh đạo thành phố Đà Nẵng và đại diện Tổng công ty Điện lực miền trung tại lễ khởi công căn nhà cho gia đình ông Đỗ Đức Thành, trú tại 282/12 Trưng Nữ Vương, thành phố Đà Nẵng.

Tỉnh Quảng Trị có tỷ lệ hộ nghèo và cận nghèo cao. Các hộ dân vùng sâu, vùng xa, đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số đã và đang phải đối mặt với nhiều khó khăn trong cải thiện điều kiện sống. Chính quyền tỉnh Quảng Trị cùng với sự hỗ trợ từ các chương trình quốc gia và cộng đồng doanh nghiệp, các tổ chức xã hội đã nhanh chóng triển khai kế hoạch xóa nhà tạm.

Gia đình anh Hồ Văn Đi và chị Hồ Thị Hoa thuộc diện hộ nghèo tại xã Hiếu Giang. Trước đây, gia đình anh chị sống trong ngôi nhà tạm bợ, không đủ che mưa nắng. Nhờ sự hỗ trợ của chương trình, họ đã có ngôi nhà mới khang trang, mang lại niềm vui và hy vọng cho tương lai.

Tại thôn Mai Xá (xã Đông Gio Linh), bà Nguyễn Thị Duyên, một góa phụ hơn 60 tuổi, ngồi trong căn nhà còn thơm mùi vôi mới, rưng rưng xúc động. Hơn mười năm qua, bà và cháu ngoại phải sống trong căn nhà tạm lợp bạt, mỗi mùa mưa bão lại lo đổ sập. Cơn bão năm trước đã cuốn mất nửa mái nhà, bà chỉ còn biết ôm cháu nhỏ co ro trong góc tường chờ trời sáng. Giờ đây, khi căn nhà kiên cố được dựng lên nhờ chương trình xóa nhà tạm, bà có thể an tâm sinh sống.

Không chỉ riêng bà Duyên, trên khắp các địa phương của tỉnh Quảng Trị, nhiều hộ gia đình hoàn cảnh khó khăn đã lần lượt đón nhận những ngôi nhà mới. Căn nhà ấm áp không chỉ xua tan nỗi lo thiên tai mà còn là động lực để họ vươn lên thoát nghèo, tạo không gian học tập cho trẻ em và chỗ ở yên ổn cho những người già yếu.

Tại khu vực miền núi của tỉnh Quảng Trị, những bản làng Vân Kiều, Pa Kô cũng rộn ràng hơn bao giờ hết. Những ngày qua, nơi đâu cũng vang tiếng cưa, tiếng đục, tiếng gọi nhau dựng nhà. Đồng bào nơi đây vốn quen với cảnh đói nghèo nay tràn đầy hy vọng vào một cuộc sống mới. Những người đàn ông chia nhau gánh đá, trộn hồ, còn phụ nữ phụ giúp chuyền từng viên gạch, tấm ván. Những đứa trẻ với ánh mắt háo hức dõi theo từng bức tường nhà vươn cao như phép màu. Người dân không chỉ nhận nhà mới mà còn nhận niềm tin mới. Niềm tin ấy được chắt chiu từ sự chung tay của cán bộ xã, đoàn viên, thanh niên, các nhà hảo tâm và cả những thợ xây từ các nơi khác về góp sức.

Ông Trần Kim Chiến, nguyên Chủ tịch Ủy ban Mặt trận Tổ quốc xã Cam Tuyền cũ (nay là xã Hiếu Giang) chia sẻ: “Chúng tôi rất vui mừng khi thấy chương trình hỗ trợ nhà ở đã thay đổi cuộc sống của người dân. Từ việc xóa nhà tạm, nhiều gia đình đã có thể yên tâm phát triển sản xuất, vươn lên thoát nghèo”.

Chương trình xóa nhà tạm tại Quảng Trị không chỉ dừng lại ở việc xây dựng nhà mới mà còn kết hợp với các chính sách an sinh xã hội và phát triển hạ tầng. Tỉnh đã giải ngân hơn 361 tỷ đồng cho công tác hỗ trợ nhà ở với hơn 7.000 hộ dân được thụ hưởng. Đến nay, gần 900 ngôi nhà đã được xây dựng mới, giúp nhiều hộ dân ổn định và cải thiện cuộc sống.

Thành phố Huế cũng đang nỗ lực vận dụng mọi nguồn lực để xóa nhà tạm, không để người dân nào “bị bỏ lại phía sau”. Hàng nghìn hộ dân ở các xã vùng sâu đã nhận được sự hỗ trợ từ các chương trình của Chính phủ và tỉnh. Để bảo đảm thực hiện các mục tiêu về xóa nhà tạm, thành phố Huế đã triển khai các chính sách hỗ trợ; trong đó hỗ trợ 60 triệu đồng/hộ đối với nhà xây mới và 30 triệu đồng/hộ đối với sửa chữa nhà tạm.

Tại thành phố Đà Nẵng, gia đình ông Đỗ Đức Thành (trú tại 282/12 Trưng Nữ Vương), có bốn người con đang tuổi ăn học và vợ thường xuyên đau ốm, đã nhận được khoản hỗ trợ 70 triệu đồng từ Tổng công ty Điện lực miền trung để xây dựng một mái nhà an toàn. "Sau bao năm sống trong căn nhà dột nát, giờ chúng tôi có thể yên tâm mỗi khi mưa bão về", ông Thành xúc động chia sẻ.

Tổng công ty Điện lực miền trung cũng hỗ trợ, dành sự quan tâm đến các hộ nghèo ở vùng sâu, vùng xa. Tại buôn K62, xã Krông Nô, tỉnh Lâm Đồng, bà H’Mai, người tham gia kháng chiến và bị ảnh hưởng bởi chất độc hóa học đã nhận 35 triệu đồng hỗ trợ từ tổng công ty để hoàn thiện căn nhà trong mùa hè này.

Tại phường Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa, bà Nguyễn Thị Lẫy, gần 60 tuổi, đang chăm chồng bệnh nặng và hai con dị tật bẩm sinh, đã nhận được căn nhà trị giá hơn 100 triệu đồng. Tổng công ty Điện lực miền trung đã hỗ trợ 70 triệu đồng, phần còn lại do Ủy ban Mặt trận Tổ quốc địa phương vận động. “Món quà này là ánh sáng giữa bóng tối, là hy vọng giữa lúc cùng cực”, bà Lẫy nghẹn ngào nói trong lễ bàn giao nhà.

Những căn nhà như vậy đang ngày càng nhiều hơn trên khắp các tỉnh, thành miền trung-Tây Nguyên. Ông Ngô Tấn Cư, Tổng Giám đốc Tổng công ty Điện lực miền trung chia sẻ: “Chúng tôi không chỉ mang điện đến mọi miền mà còn mang theo cả trách nhiệm và tình cảm. Các chương trình an sinh không chỉ giúp người dân an cư mà còn tiếp thêm niềm tin vào tương lai. Đó là cam kết lâu dài, không ngừng nghỉ của chúng tôi với cộng đồng”.

Chương trình xóa nhà tạm, nhà dột nát ở miền trung-Tây Nguyên đã đạt được nhiều kết quả tích cực. Quá trình này không chỉ cải thiện điều kiện sống của người dân mà còn tạo đà cho sự phát triển bền vững của khu vực. Tuy nhiên, để đạt được mục tiêu xóa nhà tạm cho toàn bộ các hộ nghèo, các tỉnh, thành phố trong khu vực tiếp tục huy động mọi nguồn lực từ ngân sách nhà nước, các tổ chức xã hội và sự đồng hành của các doanh nghiệp. Với sự nỗ lực của chính quyền các cấp và cộng đồng, chương trình hứa hẹn sẽ mang lại những thay đổi tích cực, giúp hàng nghìn hộ dân có được cuộc sống ổn định và phát triển.

Bài và ảnh: ĐÌNH TĂNG