Trong nhịp sống hiện đại, văn hóa truyền thống đã trở thành điểm tựa tinh thần vững chắc, góp phần lưu giữ bản sắc, nuôi dưỡng tâm hồn. Trân trọng, gìn giữ văn hóa dân tộc là cách thế hệ trẻ góp tiếng nói riêng vào bức tranh văn hóa đa sắc màu của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam thống nhất trong đa dạng.
Hồ Văn Đôi, thanh niên dân tộc Tà Ôi (thuộc nhóm Tà Ôi chính dòng), sinh ra và lớn lên ở bản biên giới A Sáp (xã A Lưới 3, thành phố Huế), một trong những bản làng xa xôi, gian khó của miền trung, nơi cuộc sống người dân gắn với núi rừng và những vất vả, đeo bám bao thế hệ.
Gia đình Đôi có 8 anh chị em, lớn lên trong hoàn cảnh thiếu thốn, nhọc nhằn, mùa ngô, lúa phụ thuộc vào nắng mưa, được đi học là nỗ lực và quyết tâm lớn lao. Đôi tin rằng đó là con đường duy nhất để thoát khỏi vòng luẩn quẩn đói nghèo mà cha ông từng trải qua. Năm 2020, Đôi rời bản làng ra Hà Nội học tập tại Học viện Dân tộc (Bộ Dân tộc và Tôn giáo), hành trang mang theo là khát vọng tri thức cùng tình yêu sâu sắc với bản sắc văn hóa dân tộc Tà Ôi.
Được sự giúp đỡ của thầy cô giáo và bạn bè, sau gần 2 năm ở Hà Nội, vượt qua trở ngại về ngôn ngữ, Đôi đã có thể tự tin nói tiếng phổ thông, mạnh dạn trình bày suy nghĩ, tích cực tham gia các hoạt động của trường học và cộng đồng.
Với niềm đam mê văn hóa truyền thống và mong muốn được kết nối, lan tỏa cùng cộng đồng các dân tộc, tháng 3/2023, Hồ Văn Đôi cùng những người bạn chung ý tưởng thành lập nhóm “Cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam”, là ngôi nhà chung của gần 2 nghìn thành viên.
Từ hoạt động “Tết H'Mông xuống phố” đến các buổi sinh hoạt văn nghệ, trải nghiệm dệt thổ cẩm, tìm hiểu trang phục, ẩm thực truyền thống đã góp phần để những câu chuyện bên bếp lửa bản làng không bị lãng quên. Bản làng giáp biên nằm trên dãy Trường Sơn hùng vĩ, nơi những di sản văn hóa bản địa được lưu truyền qua nhiều thế hệ đã gieo vào lòng người trẻ như Hồ Văn Đôi niềm tự hào và khát vọng bảo tồn, lan tỏa văn hóa dân tộc đến mọi miền Tổ quốc.
“Tôi ngạc nhiên khi nhiều bạn học cùng trường không biết đến dân tộc Tà Ôi, điều đó khiến tôi trăn trở và thôi thúc bản thân bằng những hành động, việc làm cụ thể để giới thiệu bản sắc dân tộc. Đó là hành trình kết nối và lan tỏa, để mỗi người trẻ trở thành một phần trong bức tranh rực rỡ của văn hóa các dân tộc”, Đôi chia sẻ.
Với những nỗ lực và đóng góp của mình, Hồ Văn Đôi được trao tặng nhiều giải thưởng. Năm 2024 vừa qua, Đôi vinh dự nhận giải thưởng Vừ A Dính, được tôn vinh là “Tấm gương đẹp của bản làng”, thắp lên niềm tin và khát vọng vươn lên cho thế hệ trẻ nơi biên cương Tổ quốc.
Men theo cung đường uốn lượn, hiểm trở như dải lụa vắt ngang đại ngàn Trường Sơn là những ngôi nhà sàn ẩn hiện trong mầu xanh thẫm của rừng già, quanh năm vương mùi khói bếp, tiếng khèn bè cất lên réo rắt, rộn vang núi rừng... Đó là bức tranh của bản Piêng Hòm, xã Nậm Cắn, nơi rẻo cao biên giới Nghệ An. Người dân tộc Thái ở bản chủ yếu làm nương rẫy, qua những mùa vụ nối tiếp nhau.
Mang theo nỗi nhớ và tình yêu với bản làng biên giới, Kha Văn Thương, hiện là sinh viên Khoa Công nghệ thông tin, Trường đại học Công nghệ, Đại học Quốc Gia Hà Nội từng rất rụt rè khi đến Hà Nội. Năm 2018, cộng đồng “Sinh viên dân tộc Thái tại Hà Nội” được thành lập, là nơi văn hóa Thái được thắp lên bằng tình yêu và lòng tự hào, nơi giữ gìn văn hóa truyền thống bằng điệu xòe, điệu múa, tiếng khèn bè, tiếng sáo quê hương.
Với Thương, những bản sắc đó không chỉ làm vơi đi nỗi nhớ bản làng, mà còn âm thầm khơi dậy lòng tự hào, mong muốn lan tỏa văn hóa dân tộc. Thương hiện là Chủ nhiệm nhóm Sinh viên dân tộc Thái tại Hà Nội. “Nhóm vẫn miệt mài duy trì các hoạt động văn hóa, dù hạn hẹp về kinh phí nhưng cũng tổ chức nhiều hoạt động giao lưu tại các địa phương.
Các thành viên đến từ nhiều vùng miền, mang màu sắc văn hóa riêng biệt. Khi những khác biệt đó được trân trọng, giúp các bạn trẻ dân tộc thiểu số tự tin trước đám đông và góp phần vào hành trình gìn giữ di sản văn hóa cho bản làng và Tổ quốc”, Thương chia sẻ.
Tiến sĩ Trần Quốc Hùng, giảng viên Học viện Dân tộc, Bộ Dân tộc và Tôn giáo nhận xét: Các bạn trẻ dân tộc thiểu số đang học tập, sinh sống tại Hà Nội biết tận dụng môi trường đa văn hóa để giới thiệu văn hóa dân tộc mình một cách tự nhiên, gần gũi, đồng thời kết nối với các dân tộc khác.
Bên cạnh đó, các bạn sử dụng mạng xã hội, công nghệ số hay tổ chức các sự kiện giao lưu văn hóa cũng cho thấy khả năng thích ứng với thời đại, khiến cho văn hóa truyền thống không chỉ được bảo tồn mà còn có sức sống mới.
Với nhiệt huyết và bản lĩnh, họ sẽ tiếp tục là lực lượng tiên phong trong việc gìn giữ và lan tỏa những giá trị văn hóa độc đáo của dân tộc mình đến với bạn bè trong nước và quốc tế.
Tuy nhiên, trong không gian giao thoa văn hóa mạnh mẽ đó, bên cạnh thuận lợi sẽ có những khó khăn như thiếu không gian sinh hoạt văn hóa dân tộc, rào cản về ngôn ngữ, sự khác biệt trong lối sống và đôi khi là định kiến xã hội.
Việc giữ được bản sắc giữa nhịp sống hiện đại đòi hỏi sự bản lĩnh, tự tin của người trẻ và sự hỗ trợ kịp thời, bền vững từ cộng đồng, nhà trường và cơ quan chức năng.